Bộ óc đằng sau mô hình nhà ở xã hội của Singapore mà cả thế giới thèm muốn

Yên Khê 16:11 | 06/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập trung vào mức giá vừa túi tiền người dân, tính cộng đồng, sự tiện lợi và ánh sáng, Liu Thai Ker đã thay thế những khu ổ chuột tồi tàn của Singapore bằng những tòa nhà cao tầng rộng rãi.

Ông Liu Thai Ker, người được mệnh danh là kiến ​​trúc sư của Singapore hiện đại, tại văn phòng của mình vào tháng 3. (Ảnh: New York Times).

 

Bộ óc đằng sau kiến trúc Singapore hiện đại

Dạo khắp Singapore, công chúng sẽ nhìn thấy những căn hộ cao tầng thoáng mát, ngập tràn ánh sáng và đủ rộng rãi để một gia đình thoải mái sinh hoạt. Một số còn có thể nhìn toàn cảnh “quốc đảo sư tử”.

Chúng không phải những chung cư đắt tiền, mà thực chất là những nhà ở xã hội. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng vẫn duy trì mức giá tương đối phải chăng, giúp Singapore đạt tỷ lệ sở hữu nhà ở đáng ghen tỵ.

Bộ óc đằng sau mô hình nhà ở xã hội nói trên là một người đàn ông hiện đã 86 tuổi có tên Liu Thai Ker (Lưu Thái Cơ). Ông Liu được coi là kiến trúc sư tạo nên Singapore hiện đại.

Theo New York Times, ông chính là người giám sát quá trình xây dựng và phát triển của khoảng một nửa trong số hơn 1 triệu nhà ở xã hội tại Singapore, quốc đảo phồn thịnh với dân số khoảng 5,6 triệu người.

Ông Liu mới lên 6 khi gia đình chuyển từ Malaysia đến Singapore vào năm 1944. Cha của ông, Liu Kang là một nghệ sĩ có tiếng ở Thượng Hải, sau đó tháo chạy sang Malaysia trong Thế chiến thứ hai.

Sau khi được mẹ khuyên theo học kiến trúc để phụ giúp gia đình, ông Liu nhận được học bổng và đăng ký một khoá học ngắn ở Đại học New South Wales (Australia). Tại đây, ông vừa học vừa làm và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.

Sau đó, ông đến Đại học Yale (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, Liu có hai lựa chọn, một là đến Harvard để nghiên cứu sâu hơn về thiết kế đô thị hoặc làm việc với kiến trúc sư lừng danh I. M. Pei. Liu chọn phương án thứ hai.

Đó là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Bộ óc đằng sau kiến trúc Singapore hiện đại cho biết từ người thầy Pei, ông đã nhận ra tầm quan trọng của “sự liên kết” và “sự hài hoà” trong thiết kế nhà ở. Đây là những bài học mà ông đã áp dụng vào thực tế ở Singapore.

Một dự án nhà ở xã hội có thể nhìn thấy quang cảnh toàn thành phố Singapore. (Ảnh: New York Times).

Sự ra đời của mô hình nhà ở xã hội

Vào những năm 1960, nền kinh tế Singapore không sáng sủa như hiện giờ. Cứ 4 người thì có 3 người sống trong những khu ổ chuột đông đúc và bẩn thỉu. Nhà cửa siêu vẹo, được che chắn bằng những tấm tôn.

Khi đó, ông Liu đang làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư I. M. Pei ở New York. Ông vừa tốt nghiệp Đại học Yale với tấm bằng thạc sĩ về quy hoạch thành phố, New York Times cho hay.

“Sau 4 năm, tôi cảm thấy nước Mỹ không thực sự cần mình, họ có quá nhiều kiến trúc sư. Vì vậy, tôi bắt đầu nghĩ đến việc quay trở lại”, ông tiết lộ.

Liu quay về Singapore vào năm 1969, trở thành người đứng đầu đơn vị thiết kế và nghiên cứu tại Ban Phát triển và Nhà ở Singapore.

Một trong những nhiệm vụ chính của ông Liu là tạo ra “những thị trấn mới”, hay các trung tâm đô thị đã quy hoạch hoàn chỉnh cho Singapore. Ở thời điểm đó, không ai có thể mường tượng ra những thị trấn mới trông như thế nào, vì vậy ông phải tự mày mò.

Qua một số nghiên cứu, ông quyết định Singapore mới sẽ có những khu dân cư với đầy đủ cơ sở vật chất như trường học, cửa hàng, quầy bán đồ ăn ngoài trời và sân chơi.

Ông Liu cũng muốn tránh kiểu nhà ở xã hội mà mình từng thấy ở Mỹ và châu Âu, nơi các căn hộ nằm hai bên một hành lang ít ánh sáng. Những người có thu nhập thấp sẽ sống ngay sát nhau, "sự nghèo đói tập trung vào một chỗ".

Bên cạnh đó, ông cũng muốn thúc đẩy ý thức cộng đồng giữa các cư dân. Để tìm cách thực hiện tham vọng đó, ông yêu cầu các nhà xã hội học ước tính nên có bao nhiêu hộ gia đình sống gần nhau để tối đa hoá tương tác xã hội.

Câu trả lời ông nhận được là 6 đến 8 hộ, vì vậy mỗi hành lang sẽ có 6 đến 8 căn hộ. Bằng cách đó, hàng xóm có thể hoà nhập và gần gũi nhau hơn.

Khi mô hình nhà ở xã hội của kiến trúc sư Liu Thai Ker được triển khai và tạo ra thành công, thủ tướng đầu tiên của Singapore là ông Lý Quang Diệu đã giao cho Liu một nhiệm vụ lớn lao khác: tái định cư cho tất cả những người còn sống trong các khu ở chuột vào năm 1982.

Kiến trúc Liu Thai Ker và gia đình chuyển đến Singapore vào năm 1944. (Ảnh: New York Times).

Thành tựu cho đến ngày nay

Đến năm 1985, hầu như mọi người dân Singapore đều có nhà.

“Thủ tướng thường nói với tôi rằng triệu chứng của một thành phố lạc hậu là: một, người vô gia cư; hai, ùn tắc giao thông; ba, lũ lụt; và bốn, ô nhiễm không khí”, ông Liu cho hay.

Sau đó, trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1992, ông Liu là Giám đốc điều hành kiêm trưởng ban quy hoạch của Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore.

Năm 1991, ông đề xuất chia Singapore thành 5 khu vực, biến mỗi khu vực thành một thành phố nhỏ để người dân không cần phải rời khỏi nơi ở để đi mua sắm hoặc gặp bác sĩ.

Giáo sư Heng Chye Kiang của Trường Thiết kế và Kỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá: “Cuộc sống thuận tiện như ngày nay phần lớn là nhờ tiến sĩ Liu và nhóm của ông”.

Hiện tại, gần 80% cư dân Singapore sống trong nhà ở xã hội và 90% căn hộ được sở hữu theo hợp đồng thuê 99 năm.

Theo kiến trúc sư Liu, mô hình của Singapore có thể nhân rộng ở các nước khác. Song, ông thừa nhận con đường mình đi thông thoáng và dễ dàng hơn nhờ việc chính phủ ban hành luật cho phép mua đất theo giá thị trường. Hầu hết các nước khác sẽ khó theo đuổi cách làm của Singapore vì chủ đất sẽ phản đối, ông Liu lưu ý.

Khi được hỏi về những hối tiếc trong quá trình làm việc, ông đề cập đến hai việc. Thứ nhất, ông nên xây dựng đường dành riêng cho xe đạp trong thành phố và thứ hai, “nên bảo tồn vài ha những túp lều lụp xụp với đường đất,... để thế hệ trẻ chiêm ngưỡng”.

Làm việc tại Trung Quốc

Sau khi ngừng cống hiến cho chính phủ Singapore vào năm 1992, ông Liu bắt đầu tham gia quy hoạch đô thị ở khoảng 60 thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả Phúc Châu, nơi ông gặp quan chức cấp cao nhất tại đó là ông Tập Cận Bình.

Ông Tập đã yêu cầu vị kiến trúc sư thiết kế sân bay Phúc Châu, một dự án mà ban đầu ông Liu từ chối vì trước đây ông chưa từng làm sân bay.

Theo ông Liu, vài tháng sau, ông Tập - nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc - đã đến Singapore và đề nghị ông xem xét lại. Lần này, ông Liu đồng ý.

Ở tuổi 79, ông Liu bắt đầu thành lập công ty tư vấn riêng và hiện đang hỗ trợ cho Fiji cũng như chính quyền tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Đông của Trung Quốc về quy hoạch đô thị.

Ông làm việc 5 ngày một tuần. Theo lời bộ óc đằng sau kiến trúc Singapore hiện đại, làm việc đều đặn “giúp làm chậm quá trình lão hoá của bộ não và cơ thể”.