Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Theo dự thảo, DATC tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và Điều lệ này.
DATC có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Vốn điều lệ của DATC là 6.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của DATC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quy định tại Điều lệ này.
Ảnh minh họa
Hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản
DATC thực hiện các hoạt động tiếp nhận, mua nợ và tài sản theo quy định tại Mục 1, Mục 2 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP.
Đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp: DATC thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và các quy định về xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu như sau:
a) Đối với doanh nghiệp Bên nợ do DATC tái cơ cấu và sở hữu trên 50% vốn điều lệ, nếu doanh nghiệp Bên nợ đã thực hiện thanh toán cho DATC đủ bù đắp hết giá vốn mua khoản nợ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cam kết, DATC xem xét tiếp tục giảm trừ nghĩa vụ trả nợ để bù đắp lỗ lũy kế nếu còn nguồn chênh lệch để xử lý nhưng phải đảm bảo phương án tái cơ cấu có hiệu quả;
b) Có kế hoạch thoái vốn để thu hồi vốn đầu tư sau khi chuyển nợ thành vốn góp trong thời hạn tối đa không quá 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại doanh nghiệp tái cơ cấu. Trường hợp vượt quá 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại doanh nghiệp tái cơ cấu, DATC không thực hiện thoái vốn thành công tại doanh nghiệp tái cơ cấu thì phải báo cáo Bộ Tài chính nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý.
Hội đồng thành viên DATC có trách nhiệm ban hành Quy chế kiểm soát rủi ro đối với hoạt động kinh doanh mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản và hoạt động cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu.
Về quyền và nghĩa vụ của DATC, dự thảo quy định: DATC có quyền kinh doanh các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề đăng ký doanh nghiệp và nhiệm vụ Nhà nước giao; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng và nhiệm vụ từng thời kỳ theo chiến lược phát triển kinh doanh được chủ sở hữu phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật; áp dụng các hình thức huy động vốn để mở rộng kinh doanh theo quy định của pháp luật; việc thực hiện mua nợ, bán nợ; mua, bán tài sản theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải tổ chức theo dõi riêng để xác định rõ kết quả thực hiện…
Nghĩa vụ của DATC là: Nhận và sử dụng vốn, đất đai và các nguồn lực khác được Nhà nước giao để kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác của pháp luật.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Báo Chính phủ