Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cần có giá trần với nhà ở xã hội

Đông Bắc 14:51 | 05/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư đều cần "Nhà nước duyệt giá" và quy định giá trần.

Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, hiện nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư hoặc doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng. Ông cho rằng, trường hợp dự án nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, tức lấy tiền từ ngân sách, dự thảo luật cần quy định rõ UBND tỉnh, thành phố có quyền giao chủ đầu tư thực hiện và "là người quy định giá bán và giá thuê".

"Đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Còn trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Phớc nói cũng cần Nhà nước duyệt giá. Ông phân tích, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không, sẽ rơi vào "kênh" nhà ở thương mại.

"Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Dự án do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp bỏ vốn phải quy định giá tối đa, tức giá trần. Khi bán giá tối đa, doanh nghiệp tiết kiệm hơn, họ sẽ có lời", ông nói.

  Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Quốc hội.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội nhận xét giá nhà ở xã hội đang chưa thống nhất với Luật Giá. Theo đó, luật này quy định nhà ở xã hội không sử dụng vốn Nhà nước, hay do tư nhân đầu tư vẫn thuộc phạm vi định giá của nhà nước.

Trong khi đó, dự thảo Luật Nhà ở chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, cho thuê, trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán. Theo ông Thịnh, quy định về định giá giữa hai luật đang mâu thuẫn, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại để đảm bảo phù hợp giữa các luật.

Theo dự thảo luật, giá bán nhà ở xã hội được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở và các chi phí hợp lý của doanh nghiệp như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác.

Quy định này nhận được tán thành của đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng cần làm rõ các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán. Việc này để kiểm soát chặt giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà xã hội được hưởng một số chính sách ưu đãi về vốn vay, giá bán ra vẫn phải có sự phê duyệt của cơ quan quản lý với mức trần lợi nhuận 10%. Điều này khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nhà xã hội bởi đánh giá lợi nhuận không hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định giá trần nhà ở xã hội.

Đề xuất lập Quỹ nhà ở xã hội, Nhà nước quyết định giá bán

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban công tác đại biểu đồng tình với việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Nữ đại biểu viện dẫn số liệu năm 2022, với 100 triệu dân, trong đó có 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

“Việt Nam thật sự là một quốc gia đất hẹp, người đông lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và giãn cách thu nhập lớn”, nhìn nhận thực trạng này, bà Yên quan tâm đến chính sách về nhà ở xã hội và tài chính cho phát triển nhà ở.

Dự thảo Luật đã quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hay do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như quản lý vận hành nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang...

Theo đại biểu Yên, chính sách nhà ở xã hội của Singapore là một ví dụ thành công về mô hình nhà ở xã hội; đảm bảo cả xã hội được hưởng quyền lợi về nhà ở và khoảng 85% dân số của Singapore sống trong nhà ở công.

“Do đó, tôi thấy là chúng ta cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội”, bà Yên nêu.

 

 Bộ Tài chính đề xuất cần có giá trần với nhà ở xã hội. Ảnh VNM.

Về tài chính cho phát triển nhà ở, nữ đại biểu đoàn Điện Biên đánh giá, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có một số điểm mới, quy định về các nguồn vốn, nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở, vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức;vay vốn ưu đãi…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Bởi vì chỉ khi đó đối tượng của Nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.

“Tôi cũng đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế trong công chức, viên chức, thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê mua/thuê nhà ở xã hội”, đại biểu Yên nêu.

Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý, đến việc phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận; thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.

Quốc hội dự kiến thảo luận ở hội trường Luật Nhà ở (sửa đổi) vào ngày 19/6.