Nguồn cung dồi dào, người lao động lại khó mua nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội được xem là giải pháp duy nhất giúp người lao động thu nhập thấp có nơi an cư lạc nghiệp. Chính phủ gần đây cũng đặc biệt chú trọng vấn đề này với đề án xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội cùng nhiều chính sách khác về vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều đối tượng thụ hưởng đang nhìn nhận, điều kiện được mua, lãi suất ưu đãi vẫn chưa phù hợp thực tế, rất khó tiếp cận.
Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động
Thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đây là nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo an cư cho người lao động.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang, đại biểu này cho biết, đề án hiện gặp thách thức trớ trêu, đó là căn hộ làm ra, công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện.
Lý do, hầu hết người lao động không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác". Đại biểu Thinh dẫn chứng, dự án nhà ở xã hội ở thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng/m2, đang hoàn thiện để đi vào sử dụng. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm từ khi công bố nhận hồ sơ, đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.
Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất, cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng hiện đã quy định tại Luật Nhà ở. Đó là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình ở đều có thể là khách hàng.
Cũng tại buổi thảo luận, Đại biểu Trần Thị Vân, Phó đoàn chuyên trách Bắc Ninh, đặt vấn đề, từng có gói hỗ trợ khác về mua, thuê nhà ở xã hội trong chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Các chính sách này đều có thời hạn thực hiện trong 2023 và kết quả thực hiện rất thấp. Chẳng hạn, gói giảm lãi suất 2% hỗ trợ vay nhà ở xã hội mới giải ngân được gần 1%, hay gói vay 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho công nhân, lao động mới thực hiện được hơn 34%.
"Các gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không, trong khi Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản hay Nhà ở đang sửa, quy hoạch liên quan chưa phê duyệt xong", Phó đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Ninh nêu.
Đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị, Chính phủ gộp các gói hỗ trợ dành cho phát triển nhà ở xã hội thành một và kéo dài thực hiện các chính sách này đến hết năm 2025, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho lao động, công nhân.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội… Ví dụ như việc chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Thực tế, có rất nhiều người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng nhìn nhận, về đối tượng mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 của Chính phủ đã có quy định về đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đa số người có nhu cầu ở thực mua nhà ở xã hội khó đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện. Thậm chí, có tình trạng lách luật, người đã có nhà ở nhưng vẫn tham gia đăng ký mua nhà ở xã hội rồi sau đó không sử dụng đúng mục đích như chuyển nhượng dưới hình thức uỷ quyền, cho thuê…
Những đối tượng nào được mua, thuê nhà ở xã hội?
Bộ Xây cũng đã vừa ban hành Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BXD về việc hợp nhất Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong đó, quy định, nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng;
Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án được phê duyệt tham gia giám sát. Việc bốc thăm phải có biên bản kết quả bốc thăm.
Trường hợp dự án có đối tượng đảm bảo quy định tại Điều 22 Nghị định này là người có công với cách mạng hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định. Số lượng căn hộ (căn nhà) dành cho các đối tượng ưu tiên này (không thông qua bốc thăm) được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 2 nhóm đối tượng ưu tiên này trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn hộ (căn nhà) nhà ở xã hội của dự án. Danh sách của nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp theo thứ tự theo thời điểm nộp hồ sơ. Các căn hộ dành cho các đối tượng ưu tiên được bố trí theo thứ tự của danh sách ưu tiên cho đến khi hết, các đối tượng còn lại được tiếp tục tham gia bốc thăm.
Đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 49 của Luật Nhà ở thì có thể đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại dự án do các thành phần kinh tế đầu tư hoặc dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai thực hiện nhưng phải bảo đảm nguyên tắc mỗi đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở chỉ được hỗ trợ giải quyết một lần.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí xét duyệt đối tượng, điều kiện đối với các trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án xây dựng nhà ở xã hội do mình triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang gửi Bộ Xây dựng để có ý kiến thống nhất bằng văn bản trước khi ban hành, trong thời hạn 15 ngày làm việc Bộ Xây dựng có trách nhiệm trả lời về nội dung xin ý kiến.
Đối với các trường hợp đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các dự án do các thành phần kinh tế đầu tư thì nguyên tắc và tiêu chí xét duyệt đối tượng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều kiện để được mua nhà ở xã hội:
Thứ nhất, các đối tượng nêu trên phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân < 10 m2/người.
Thứ hai về cư trú: phải có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ ba về thu nhập, không thuộc diện nộp thuế TNCN tức là ≤ 11 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người. Trong quy định về chính sách nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần.