Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ chi 23.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động

Đông Bắc 07:48 | 07/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đề xuất trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 23.000 tỷ đồng để xây dựng gói hỗ trợ lao động.

  

 

Sáng 6/6, cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Liên quan đến vấn đề thu sai đối tượng của bảo hiểm xã hội, bộ trưởng cho biết, thực hiện Nghị định 01, năm 2003, lúc đấy có chủ trương mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn, cho một số tỉnh về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 cho đến năm 2016 thì chủ trương này được dừng lại. Tuy nhiên, có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn, với tổng cộng 1.332 trường hợp.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng về quy định của pháp luật thì vẫn bị vướng, bởi quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm. Nhưng ở đây các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng với nhân viên,

“Những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai, cho nên không được nộp bảo hiểm. Về mặt bản chất thì họ đều là người lao động, vừa là chủ hộ nhưng vừa là người lao động và vừa có thu nhập. Cho nên, việc được tham gia bảo hiểm, về mặt bản chất thì có thể chấp nhận được, nhưng quy định của pháp luật thì không quy định, cho nên anh này vẫn là sai đối tượng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

 

   Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Quochoi.vn.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, đã trao đổi với Bộ LĐTB&XH, làm thế nào để sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Qua đó sẽ cho phép đối với những chủ hộ kinh doanh thì được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, vì họ cũng vừa là người lao động, vừa là người có thu nhập.

Một vấn đề khác được tư lệnh ngành tài chính giải trình Quốc hội là vấn đề hỗ trợ người lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2021 cả nước đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID – 19. Trong đó những người ảnh hưởng bởi COVID - 19 thì chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng là 30,8 ngàn tỷ đồng. Như vậy, năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng.

“Hiện nay chúng tôi đang còn thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này”, ông Phớc báo tin vui.

Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng. “Bảo hiểm xã hội cũng như Bộ LĐTB&XH đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn khó khăn thì bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động”, ông Phớc nêu.

Về chất lượng lao động, theo bộ trưởng, vấn đề quan trọng hiện nay phải có kỹ năng nghề và nâng cao chất lượng.

“Chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy thì các yếu tố khác đều theo thị trường, như nguyên vật liệu, hàng hóa, công nghệ thì lao động cũng phải theo thị trường”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, chúng ta phải đào tạo nghề như thế nào, phải dự báo được thị trường, nắm bắt được thị trường để đào tạo nghề có kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, kể cả trong nước và quốc tế, như vậy mới thành công được.

“Việc sắp xếp các trường nghề cũng phải theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiện đại”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

 

  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh Quochoi.vn.

Trước đó, khi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Tráng A Dương (chuyên trách Hội đồng dân tộc) nêu thực trạng, những năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

"Có nên đề nghị Trung ương lập Quỹ hỗ trợ người lao động như các gói hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung Quỹ quốc gia việc làm với địa phương", ông đề xuất và đề nghị Bộ trưởng Dung nêu quan điểm.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, nhất là cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ghi nhận ý kiến đại biểu, nhưng ông Dung nói việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.

"Việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", ông Dung nói và cho biết khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.

Chất vấn tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng khó khăn của doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải hiện này còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19.

"Do đó, trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không?", đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua một bộ phận người dân người lao động gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

"Về có cần gói hỗ trợ không, cơ quan tham mưu đang đánh giá kĩ thực trạng tình hình, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn", ông nói và chia sẻ cá nhân không có thẩm quyền quyết ngay chính sách lúc này mà phải trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Theo số liệu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, toàn quốc có 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm; trong đó 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc.