Dự Luật Nhà ở (sửa đổi): Đối tượng được mua nhà ở xã hội sẽ được mở rộng?
Thảo luận tại buổi thảo luận tổ sáng nay (5/6) về dự Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhiều đại biểu cho rằng điều kiện người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội đã không còn phù hợp.
Theo dự thảo luật, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc nhóm hưởng chính sách này. Thẩm tra nội dung trên, đa số ý kiến tại Ủy ban Pháp luật đồng tình nhưng một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn: công nhân, người lao động (không giới hạn trong khu công nghiệp) có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. Việc này để bảo đảm công bằng với người lao động có thu nhập thấp nói chung, không phân biệt làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, quan điểm trên là chưa hợp lý vì đã loại bỏ hàng loạt trường hợp cũng cần hưởng chính sách nhà ở xã hội.
"Thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân, họ còn lo bao thứ như tiền ăn học của con, chi phí sinh hoạt, lấy đâu tiền mua nhà nếu không được hưởng chính sách. Những người đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ra, cần cân nhắc", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn góp ý.
Tương tự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ với đối tượng công nhân, người lao động làm trong khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức nếu áp dụng thêm giới hạn có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp.
Bởi có những trường hợp nộp thuế nhưng thu nhập không đủ sống, cần cân nhắc mở rộng phạm vi thu nhập để mở rộng đối tượng này nhằm có chính sách cho công nhân có nhà ở và đảm bảo cuộc sống.
"Tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi thu nhập, tức là có những đối tượng có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tiêu dùng đắt đỏ, trong khi giá nhà cao, người dân không đủ tích lũy. Nếu đưa ra quy định này là không phù hợp", bà Thanh nói.
Thêm nữa, bà Thanh cho rằng hiện nay quy định về thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Quy định 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay, trong khi các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt đã tăng sẽ là áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu, đặc biệt tại các thành phố lớn, chứ chưa nói đến việc mua nhà.
Do đó, đại biểu Thanh nhấn mạnh lại cần mở rộng thêm đối tượng, không nhất thiết chỉ là những người thuộc diện này, cần mở thêm đối tượng để gia tăng việc tiếp cận nhà ở xã hội, đảm bảo tính linh hoạt hơn.
Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị không quy định người lao động phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội. "Hiện mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu, nhiều công nhân dù phải đóng thuế, mức sống vẫn chật vật, khó khăn. Do vậy, cần bỏ điều kiện này", bà cho hay.
Đồng tình, ông Trần Hoàng Ngân nói đóng thuế thu nhập chưa chắc công nhân có thu nhập cao. Hiện TP HCM có khoảng 2-3 triệu công nhân, trong đó có khoảng 330.000 người làm trong khu công nghiệp, còn lại làm bên ngoài. Nếu chỉ quy định đối tượng công nhân trong khu công nghiệp sẽ bỏ sót 80-90% đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo áp dụng cho tất cả công nhân và không phân biệt thuộc diện đóng thuế hay không đóng thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, theo ông Ngân, trong khi dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê xây dựng ít ỏi, nhà trọ của người dân đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho công nhân, người lao động ở các thành phố lớn.
Do vậy, đại biểu TP HCM đề nghị quy định vấn đề nhà trọ vào trong luật để chuẩn hóa đầu tư nhà trọ, vừa huy động sức dân vào đầu tư mô hình này, vừa đảm bảo người lao động được thuê những phòng trọ đảm bảo chất lượng sinh hoạt tối thiểu.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng đã đưa ra quan điểm rằng, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội… Ví dụ như việc chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Thực tế, có rất nhiều người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 19/6.
Điều kiện để được mua nhà ở xã hội hiện nay:
Thứ nhất, các đối tượng nêu trên phải đáp ứng đủ các điều kiện về nhà ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân < 10 m2/người.
Thứ hai về cư trú: phải có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thứ ba về thu nhập, không thuộc diện nộp thuế TNCN tức là ≤ 11 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người. Trong quy định về chính sách nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần.