Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu giải pháp căn cơ ngăn trục lợi khi đấu giá đất

Theo Báo Chính phủ 07:55 | 25/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đỗ Đức Duy đề xuất 6 giải pháp giải quyết bất cập trong hoạt động đấu giá đất ở các địa phương thời gian qua, trong đó công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

  

Tại diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói" ngày 24/11, ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), phản ánh thời gian qua, một số địa phương ở Hà Nội (huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở và tạo lên cơn sốt rất cao, có những nơi giá trúng trên 100 triệu đồng/m2.

"Chủ trương đấu giá đất là đúng nhưng cũng có ý kiến lo ngại, nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội để thổi giá đất lên cao. Nhà nước sẽ có công cụ và chính sách nào để kiểm soát việc đẩy giá đất ảo lên quá cao, nhưng vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá để đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước?", ông Nguyễn Văn Hiếu nêu câu hỏi.

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy nêu các giải pháp ngăn trục lợi khi đấu giá đất - Ảnh: VGP.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên cũng đề nghị giải đáp thắc mắc về cơ chế để chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất đáp ứng như cầu của người dân.

Liên quan đến tình trạng giá đất cao bất thường sau một số phiên đấu giá đất vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để khắc phục và chấn chỉnh các hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối với các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để thổi giá trục lợi.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh để khắc phục các bất cập trong đấu giá đất, ngăn tình trạng "thổi" giá đất trục lợi, các địa phương cần công khai minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nhất là tại khu vực đấu giá.

Giải pháp tiếp theo là các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để định giá khi đấu giá đất.

Theo quy định của Luật Đất đai 2024, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định lại giá đất cho phù hợp với mặt bằng giá thực tế, tuy nhiên vừa qua có một số địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn lấy giá đất khi chưa có đầu tư về hạ tầng để làm giá khởi điểm. Việc này dẫn đến giá khởi điểm tính đấu giá với giá khu đấu giá có khoảng cách lớn, dẫn đến nhiều đối tượng mong muốn thông qua đấu giá để mua trục lợi.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường các giải pháp về nguồn cung đất ở, nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, có giá cả hợp lý để người dân có thể chi trả và mua sử dụng; tránh tình trạng mất cân đối cung cầu về đất, nhà ở bởi khi cung cầu không gặp nhau thì giá bị đẩy lên cao.

Trong quy chế đấu giá, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu quy định rút ngắn thời gian nộp tiền đấu giá, đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao bỏ cọc, tránh trường hợp trục lợi.

Để áp dụng, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trên, các địa phương cần cần thực hiện nghiêm các quy định về Luật đấu giá tài sản; Luật giá; Luật Đất đai năm 2024.

Cuối cùng các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để khắc phục các tình trạng về đấu giá đất.

Giải đáp thêm thắc mắc về cơ chế chuyển đổi đất nông nghiệp thành các khu đất đấu giá, góp phần tạo thêm nhiều nguồn quỹ đất, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 có những quy định "rất mới và mở".

Nếu theo Luật Đất đai năm 2013, người dân có nhu cầu đất ở phải tham gia đấu giá thì tại Điều 124 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

"Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không qua đấu giá trong các trường hợp như giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng; giao đất ở cho cá nhân là giáo viên, nhân viên y tế đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo; giao đất ở cho cá nhân thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở...", ông Đào Trung Chính dẫn chứng.