Thu hồi đất cần bảo đảm người dân có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn
Định giá đất hợp lý để ổn định thị trường; tránh đầu cơ và thổi giá
Thực tế, thị trường đất đai hiện vẫn tồn tại cơ chế hai giá: Một giá theo khung giá đất Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án.
Thứ hai là giá cả trên thị trường, thường xuyên biến động và cao hơn nhiều lần so với khung giá đất. Việc chênh lệch này dẫn tới nhiều hệ lụy.
Phát biểu tiếp thu, giải trình dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 14/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai.
Ông Hà cho hay phương pháp xác định giá đất trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất… có thể giúp giải quyết được những bất cập hiện nay.
Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để ổn định thị trường, đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá.
Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Còn đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá thì có 2 hình thức. Trong đó theo Bộ trưởng, quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân
Cũng tại phiên thảo luận cho ý kiến xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/11, hàng chục đại biểu Quốc hội đã đề nghị ban soạn thảo quy định chi tiết nội dung "Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ".
VNExpress dẫn lời bà Trần Thị Thanh Hương (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang) đánh giá, đây là quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, để lượng hóa được nội dung này là rất khó và dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận bồi thường do quy định không rõ ràng.
Bà đề nghị Ban soạn thảo bổ sung tiêu chí cụ thể để định lượng, xác định rõ cơ chế, phân công trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó ban Công tác đại biểu) cho rằng thiệt hại mà người dân gánh chịu khi bị thu hồi đất ngoài quyền sử dụng đất, còn rất nhiều tài sản khác gắn liền, liên quan đến đất và vấn đề sinh kế. Ông dẫn chứng rằng tình trạng người dân ở chen chúc, tạm bợ trong những ngôi nhà chỉ vài m2 ở phố cổ Hà Nội không phải do họ thiếu chỗ ở tốt hơn mà vì sinh kế, việc làm. Do đó, người dân và doanh nghiệp khi bị thu hồi đất, ngoài được bồi thường theo quy định thì cần được xem xét hỗ trợ thêm.
"Ví dụ hỗ trợ người dân vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều chính sách. Như vậy chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu người dân có đất bị thu hồi được tái định cư tốt hơn nơi ở cũ", ông Tuấn nói.