Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: giải ngân của ngành giao thông cao hơn cả nước 2% là rất ít, hết quý II phải cao hơn 10%

T.D 20:10 | 13/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2022 toàn ngành.

Hết quý I, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân hơn 17% kế hoạch

Báo cáo tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của ngành mà Chính phủ giao, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quý I/2022, Bộ Giao thông Vận tải nhìn chung hoàn thành tất cả nhiệm vụ do lãnh đạo Chính phủ giao, không có nhiệm vụ nào bị quá thời hạn.

Trong quý, vận tải hành khách ước đạt 740,8 triệu lượt khách, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, vận tải hàng không và đường bộ tăng còn đường biển, đường sắt và đường thủy giảm. Ngược lại, vận tải hàng hóa trong tất cả các lĩnh vực vận tải đều tăng, kết quả ước đạt 501,8 triệu tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Trí Đức thông tin

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải triển khai mới 64 dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; trong đó, có các dự án quan trọng quốc gia: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra hiện trường đầu tháng 2/2022 cũng như sự vào cuộc sát sao của Bộ trưởng và các Thứ trưởng, đến nay Bộ đã yêu cầu lập kế hoạch rút ngắn tiến độ các dự án thành phần; về cơ bản đã kiểm soát được tiến độ thực hiện. 

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của ngành, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hết quý I/2022, giải ngân vốn các dự án đạt 7.200 tỷ đồng, tương đương 17,2% kế hoạch giao chi tiết và đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng giao.

 "Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 3/2022 cả nước giải ngân đạt 11,88% kế hoạch được Thủ tướng giao. Như vậy, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải cao hơn mức bình quân chung của cả nước hơn 2%. Dự kiến trong tháng 4/2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng và tổng số giải ngân sẽ đạt khoảng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao", ông Nguyễn Đanh Huy cho hay.

Bộ trưởng chưa hài lòng

Trước báo cáo về tiến độ giải ngân của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn chưa hài lòng, yêu cầu đôn đốc, đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn trong những quý tiếp theo, tạo đà “bứt phá”.

"Giám đốc các Ban quản lý dự án cần đổi mới, thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành các dự án giao thông để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ, tạo bứt phá về giải ngân. Kết quả giải ngân quý I/2022 của ngành giao thông vận tải cao hơn bình quân cả nước chỉ 2% là rất ít", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng đặt mục tiêu trong tháng 4, tháng 5 tới đây, tiến độ giải ngân của ngành giao thông phải cao hơn bình quân chung cả nước 5%, đến hết quý II phải cao hơn 10%.

 "Hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm nên các Ban quản lý dự án cần nỗ lực nâng cao hiệu quả điều hành mới bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công việc phải được cụ thể hóa để triển khai nhanh chóng, quy trình giải ngân ngắn nhất và đúng quy định. Các dự án phải đảm bảo tiến độ đề ra, song tôi nhắc lại là chúng ta không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ, kết quả giải ngân", vị “tư lệnh” ngành chỉ đạo.

Liên quan đến công tác triển khai các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, Bộ trưởng Thể yêu cầu từng Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành tập trung triển khai thông qua các kế hoạch, đề án, dự án phát triển cụ thể để quy hoạch sớm phát huy hiệu quả. "Bây giờ các quy hoạch có rồi, các đồng chí lãnh đạo Cục cần thay đổi tư duy, đặt ra câu hỏi cần thay đổi gì, tạo đột phá gì để từ đó điều hành có trọng tâm, trọng điểm", Bộ trưởng Thể gợi ý.

Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ quan trọng khác như bảo đảm vận tải trong tình hình dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn mới, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt liên vận quốc tế; hay duy trì kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và công tác xây dựng thể chế.

 

Năm 2021, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải ước đạt trên 95% kế hoạch của Chính phủ, là một trong những bộ ngành giải ngân cao nhất cả nước.

Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải, trong 12 tháng, Bộ đã hoàn thành thủ tục, khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án. Trong đó có các dự án quan trọng mang ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội như khởi công 5 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và tuyến kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, hoàn thành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Những dự án này không chỉ góp phần đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công quốc gia trong năm 2021 mà còn hướng đến những mục tiêu giải ngân dài hạn hơn trong cả kỳ trung hạn 2021-2025.