Bộ Y tế đề nghị rút dần lực lượng chống dịch tại TP.HCM
Rút lực lượng chi viện trước 15/10
Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TP.HCM về việc sắp xếp để nhân lực hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại thành phố được trở về địa phương công tác.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM, để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã huy động nhân lực y tế từ các địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở giáo dục đại học y dược tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại thành phố. Một số đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị đã có thời gian hỗ trợ chống dịch tại thành phố liên tục từ tháng 7 đến nay.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ viên chức y tế, đồng thời để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM được về địa phương, đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15/10.
Trước đó, trao đổi với Zing, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết lực lượng hỗ trợ của Bộ Y tế bao gồm nhân viên y tế chi viện, các trung tâm hồi sức người Covid-19 do bệnh viện Trung ương vận hành sẽ không rút quân về dồn dập vì bệnh nhân nặng vẫn còn.
"Bộ Y tế sẽ có phương án rút quân về từ từ, phối hợp nhuần nhuyễn giữa Trung ương và địa phương, để khi lực lượng này rút về sẽ không để lại khoảng trống cho y tế thành phố", Thứ trưởng Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Sơn, ngành y tế TP.HCM thời gian tới sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống điều trị theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Quân đội sẽ hỗ trợ đến hết tháng 11
Phát biểu tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam, ngày 29/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trước khi các địa phương bao phủ vắc xin, đạt miễn dịch cộng đồng cần có bước điều chỉnh lực lượng phù hợp. Theo đó, lực lượng quân đội sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho biết, giai đoạn nới lỏng giãn cách người dân có thể tiếp cận được y tế, nhu cầu thiết yếu nên trước mắt điều chỉnh lực lượng bộ binh ở những vùng xanh, cận xanh; các vùng đỏ, cạn đỏ vẫn giữ nguyên lực lượng.
Riêng các tổ quân y căn cứ vào số F0 phụ trách và vào độ bảo đảm của y tế địa phương để điều chỉnh. Nếu địa phương bảo đảm được mới điều chỉnh, còn chưa bảo đảm được sẽ không điều chỉnh.
"Trường hợp có điều chỉnh thì trên cơ sở vùng xanh, cận xanh làm trước, các màu khác làm sau. Tuy nhiên trên tinh thần lực lượng quân y phải ở đến hết tháng 11. Đặc biệt các bệnh viện khi nào bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân nặng giảm rõ rệt mới bàn tới việc giảm bệnh viện, giảm y bác sĩ, chứ còn bệnh nhân đang điều trị, chúng ta chưa thể nói giảm", thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.
Theo diễn biến về tình hình ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM, hơn 1 tuần nay, ca nhiễm đã giảm dần từ khoảng 5.000 ca xuống dần còn 1.491 ca (ngày 5.10). Đồng thời số ca tử vong tại TP do Covid-19 cũng giảm còn từ 2 con số đến khoảng 100 ca.
Bên cạnh đó, theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, hiện TP đã có 3 quận, huyện đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao. Trong đó, Q.11 và Q.5 đều đạt tỷ lệ 100% mũi 1 và mũi 2, Q.Phú Nhuận đã hoàn thành 99% mũi 2.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).
Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091. Trong đó, 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
11/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.
Bảy tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (403.454), Bình Dương (218.812), Đồng Nai (52.551), Long An (33.015), Tiền Giang (14.303).