Doanh nghiệp kêu khổ với yêu cầu xét nghiệm định kỳ của Tp.HCM với lao động dù có thẻ xanh COVID
Cụ thể, vào tối ngày 4/10 bốn hội ngành hàng lớn của Tp.HCM gồm Lương thực - thực phẩm, Dệt may thêu đan, Cơ khí - điện cùng Mỹ nghệ và chế biến gỗ đã gởi văn bản lên UBND Tp.HCM kiến nghị sửa văn bản 3252/UBND-ĐT về việc tạo điều kiện cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
Các hội phản ánh rằng, một số nội dung tại văn bản 3252 của UBND thành phố ban hành vẫn còn nhiều quy định bất cập, tăng thêm chi phí cho người lao động và doanh nghiệp. Thậm chí, các doanh nghiệp còn cho rằng "văn bản chưa hoàn toàn đúng và nhất quán theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế về hướng dẫn xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh".
Tại văn bản 3252, lãnh đạo địa phương này yêu cầu công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn Tp.HCM và ngược lại dù đã được thực hiện tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng vẫn phải bắt buộc "có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần)".
Trong khi đó, văn bản 8228 của Bộ Y tế quy định đối với các tỉnh thành có nguy cơ dịch rất cao thì không yêu cầu "người lao động có nguy cơ cao (lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, tổ trưởng sản xuất...) hay người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp nguyên vật liệu...) phải làm xét nghiệm COVID-19 định kỳ đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc)".
Lượng chuyên gia, lãnh đạo các phòng ban cùng một lực lượng lớn công nhân của các doanh nghiệp thường xuyên di chuyển qua lại giữa Tp.HCM và các tỉnh mỗi ngày rất lớn bởi các doanh nghiệp thành viên của các hội ngành hàng nói trên đều có nhà máy đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh. Do đó chi phí xét nghiệm đang là nỗi lo lớn đối với nhiều đơn vị hậu giãn cách.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh cho biết dù mỗi tỉnh có một số tiêu chí quy định khi cho DN mở cửa sản xuất trở lại nhưng riêng đối với người lao động đều yêu cầu là có thẻ xanh COVID, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc.
Sau đó trong quá trình hoạt động, DN lại tiếp tục tự tổ chức xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động và báo cáo kết quả xét nghiệm cho cơ quan quản lý tại địa phương. Tần suất xét nghiệm cho người lao động theo quy định của ngành y tế vẫn là 7 ngày/lần hoặc 3 ngày/lần đối với nhóm nguy cơ cao. Ví dụ trong giai đoạn đầu tiên, nhà máy chỉ được cho sản xuất khoảng 50% lao động, tương đương 1.200 người thì một tuần, tối thiểu công ty phải xét nghiệm PCR theo mẫu gộp 10 người là 120 xét nghiệm, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Nhưng tần suất xét nghiệm 7 ngày/lần chỉ áp dụng cho những người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19. Trường hợp người mới được tiêm 1 mũi vaccine thì yêu cầu phải xét nghiệm 3 ngày/lần. Như vậy ước tính chỉ riêng chi phí xét nghiệm cho 50% số lao động của nhà máy được phép làm việc mỗi tháng sẽ lên hơn 100 triệu đồng.
Trong thời gian sắp tới, dù có mở cửa trở lại nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng, để giữ chân khách hàng, không dám ký thêm đơn hàng mới. Do nguyên nhân chính là bởi nếu nhận thêm đơn hàng sẽ kéo theo phải tăng số lượng lao động thì lại càng tốn thêm chi phí liên quan cho việc xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp cũng luôn lo lắng để áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vì nếu lỡ có ca F0 ngay trong nhà máy thì dễ bị lây lan, chi phí chữa bệnh... đều gia tăng nên khiến doanh nghiệp không gánh nổi.
Do đó, trước những bất cập trong quy định mới thì nhiều DN đề xuất giãn tần suất xét nghiệm xuống còn 2 tuần/lần lúc mới mở cửa, sau đó giảm xuống còn 1 tháng/lần. Doanh nghiệp đã có đánh giá bộ phận nào, lao động nào có nguy cơ cao hơn đều tăng cường xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm bệnh nhằm cách ly và điều trị nhanh, đảm bảo không để lây lan rộng cho cả dây chuyền sản xuất hay toàn bộ nhà máy.
Hay một sáng kiến khác xét nghiệm theo mẫu đại diện của ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn về chiến lược. Ông đề nghị chỉ nên lấy mẫu xét nghiệm đại diện như theo tổ, dây chuyền sản xuất với tần suất 1 tuần/lần. Khi tổ hay dây chuyền sản xuất nào sau khi test mẫu có người nhiễm bệnh thì sẽ tạm ngưng để xét nghiệm toàn bộ và thực hiện cách ly, phòng chữa bệnh.
Các chuyên gia, chủ doanh nghiệp đều lo ngại rằng, nếu cứ giữ nguyên những quy định xét nghiệm định kỳ thì đâu khác gì với mô hình 3T vốn bộc lộ nhiều nhược điểm và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc cần thiết ở thời điểm hiện tại là giảm tải gánh nặng, bởi các DN đều đã kiệt quệ sau thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vừa qua.