Bộ Y tế: Khẩn trương tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho người đã tiêm mũi 1

18:10 | 01/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 1/9, Bộ Y tế đã có Công văn gửi các sở y tế tỉnh, thành phố; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo báo VietNam Net, công văn do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký, được gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên chỉ đạo khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đồng thời, chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc xin.

Bộ Y tế: Khẩn trương tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho người đã tiêm mũi 1 - ảnh 1

Vaccine COVID-19 AstraZeneca

Cơ sở tiêm chủng sử dụng loại vắc xin để tiêm mũi 2 theo hướng dẫn tại Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7 của Bộ Y tế.

Các đơn vị trên cũng cần liên hệ ngay với Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur hoặc các Quân khu để tiếp nhận, vận chuyển vắc xin về đơn vị theo quyết định phân bổ vắc xin từng đợt của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị thực hiện báo cáo hàng ngày và báo cáo sau khi kết thúc đợt tiêm chủng theo quy định.

Đối với đơn vị có triển khai tiêm mũi 2 vắc xin do hãng Pfizer sản xuất cho đối tượng đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca, cần thực hiện báo cáo riêng theo Công văn số 5873/QĐ-BYT ngày 22/7 của Bộ Y tế về triển khai tiêm vắc xin Comirnaty do Pfizer sản xuất.

Theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị, địa phương, tính đến ngày 29/8, Việt Nam đã tiêm hơn 19,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó có hơn 14,7 triệu người được tiêm 1 liều vắc xin và hơn 2,5 triệu người tiêm đủ 2 mũi.

Hiện Việt Nam có gần 30 triệu liều vắc xin Covid-19 từ 3 nguồn: đặt mua, viện trợ và quà tặng. Trong đó AstraZeneca có nhiều nhất với hơn 19 triệu liều, Moderna 5 triệu liều, Pfizer có hơn 2,8 triệu liều, Sinopharm hơn 2,7 triệu liều,…

Đã tiêm hơn 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Theo cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 sáng 31/8, đến nay, cả nước đã tiêm được 20.033.094 liều vaccine phòng COVID-19.

Về tình hình tiêm chủng tại các địa phương, TPHCM tiếp tục dẫn đầu cả nước số mũi tiêm. Với số vaccine phân bổ thực tế (7.083.230 liều để tiêm cho 6.966.626 người từ 18 tuổi trở lên), đến hết ngày 30/8, Thành phố đã tiêm được 5.970.084 liều. Các quận: 7, 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ đã tiêm cho 100% số người từ 18 tuổi trở lên.

Sau TPHCM, Thủ đô Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 về tiêm vaccine khi đã tiêm được 2.924.413 liều/3.161.200 liều đã được phân bổ/5.745.728 người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế: Khẩn trương tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho người đã tiêm mũi 1 - ảnh 2

Đến nay, cả nước đã tiêm được 20.033.094 liều vaccine phòng COVID-19

Một số địa phương khác có tốc độ tiêm khá nhanh khi đã tiêm gần hết số vaccine được phân bổ.

Cụ thể, Đà Nẵng đã tiêm được 192.446 liều/217.582 liều được phân bổ; Bình Dương: 845.538/ 937.600; Đồng Nai: 780.105/ 907.040; Quảng Ninh: 297.712/ 323.130; Bến Tre: 153.832/ 154.770…

Về số vaccine phòng COVID-19 đã về đến Việt Nam, theo Bộ Y tế đến ngày 10/8/2021, Việt Nam đã nhận được 19 triệu liều từ nhiều nguồn khác nhau. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế công bố số liệu này.

Tiếp đó, ngày 23/8, Bộ Y tế tiếp nhận 501.600 liều vaccine do Chính phủ Ba Lan tặng nhân dân Việt Nam.

Ngày 25/8, Bộ Ngoại giao tiếp nhận 300.000 liều vaccine do Chính phủ Romania tặng Việt Nam.

Ngày 26/8, Việt Nam nhận 1.065.870 liều vaccine do Chính phủ Mỹ tặng thông qua chương trình COVAX facility.

Ngày 27/8, AstraZeneca chuyển 1.442.300 liều vaccine về Việt Nam theo hợp đồng với Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam.

Chiều 27/8, đại diện Bộ Y tế tiếp nhận 403.000 liều vaccine từ Chính phủ Australia.

Sáng 30/8, lô vaccine gồm 210.000 liều vaccine AstraZeneca và 40.800 liều vaccine Moderna, trị giá gần 1,3 triệu USD, do Chính phủ Séc tài trợ đã được bàn giao cho Bộ Y tế.

Như vậy đến nay, số vaccine COVID-19 về Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau là hơn 27 triệu liều, riêng vaccine AstraZeneca có hơn 17 triệu, Moderna có hơn 5 triệu, Pfizer có khoảng 3 triệu, vaccine Sinopharm có 2,5 triệu và 12.000 liều vaccine Sputnik V.

Sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Theo báo Tiền Phong cho biết phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, chỉ còn ít ngày nữa khai giảng năm học mới, học sinh háo hức được đến trường. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, do đó việc tổ chức lễ khai giảng, dạy học trực tiếp khó thực hiện được.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trường học không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đảng, Nhà nước và Chính phủ chia sẻ khó khăn đó với hơn 24 triệu học sinh, sinh viên và người dân.

Bộ Y tế: Khẩn trương tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho người đã tiêm mũi 1 - ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính Sớm có giải pháp tiêm vắc xin cho trẻ em đến trường

Theo Thủ tướng, ngành giáo dục đang từng bước thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện các cấp với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn nữa nên chăng xác định, nhà trường làm nền móng, giáo viên làm động lực. Bởi vì nền tảng tốt sẽ ảnh hưởng tốt đến học sinh. Người thầy làm động lực vì người thầy là người truyền cảm hứng, nếu không truyền cảm hứng tốt, học sinh thấy giờ học rất dài.

Về đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương, Thủ tướng khẳng định, trong chiến lược vắc xin phòng dịch, Chính phủ có tính toán đến việc tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định về độ tuổi, tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp.

Ví dụ, Bộ cần xem xét loại vắc xin nào được nhiều nước tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để thời gian tới khi nhập vắc xin về, những loại nào trẻ có thể tiêm sẽ phân bổ để tiêm cho trẻ em.

Nếu học sinh từ 12 tuổi trở lên được tiêm vắc xin có thể trở lại trường học một cách bình thường. Hiện nay, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa bệnh và chúng ta cũng sẽ sớm tiếp cận.

Riêng giáo viên là đối tượng được ưu tiên, nơi nào còn thiếu cần phải rà soát lại để tiêm đủ. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế có các giải pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể sớm được quay lại trường học.

“Tuy nhiên, kể cả ở “vùng xanh” các địa phương cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Còn ở các “vùng vàng, vùng đỏ không thể học trực tiếp, Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn dạy học trực tuyến cụ thể. Lãnh đạo địa phương lưu ý rà soát, hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập, đảm bảo công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, địa phương cần tính toán những gia đình có học sinh, sinh viên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh để có phương thức hỗ trợ học sinh được tới trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, giáo viên mầm non mất việc trong thời gian dịch cũng cần có chính sách đặc thù.

Nhiều gia đình vì dịch mất công việc, không có thu nhập cũng ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh không đảm bảo, do đó các trường học phải quan tâm đến từng học sinh để có phương án hỗ trợ.

 Nguyễn Triệu

Xem thêm: Thủ tướng kiểm tra đột xuất các điểm nóng dịch COVID-19 tại Hà Nội