Bóng dáng 'ông chủ' đứng sau hai đồng stablecoin phổ biến nhất thế giới

Đăng Sơn 18:26 | 08/03/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tỷ phú Giancarlo Devasini của Tether muốn duy trì sự tự do của stablecoin, trong khi đối thủ của ông, Jeremy Allaire từ Circle, nỗ lực siết chặt đối thủ bằng các quy định.

Giancarlo Devasini, một trong những tỷ phú mới nhất thế giới, sống một cuộc sống ẩn dật tại thị trấn Alpine. Ông sống trong một căn hộ khiêm tốn bên hồ, dạo bước trên những con phố lát đá cuội với chiếc áo hoodie đen trùm kín đầu và cảm thấy tức giận về  một đối thủ người Mỹ mà ông tin rằng đang cố gắng hủy hoại công việc kinh doanh của mình.

Devasini là chủ sở hữu chính của Tether, công ty phát hành đồng stablecoin cùng tên, một đồng đô la kỹ thuật số quan trọng trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Vai trò trung tâm của Tether đã mang lại cho Devasini khối tài sản khổng lồ, tầm ảnh hưởng rộng lớn trong lĩnh vực này, cùng với đó là sự hậu thuẫn của một đồng minh quan trọng của Tổng thống Trump.

Dù vậy, giới chỉ trích cho rằng Tether đã trở thành công cụ yêu thích của nhiều nhóm tội phạm để chuyển tiền trên khắp thế giới.

Người đang tìm cách phá vỡ đế chế kinh doanh của Devasini chính là người gần như đối lập hoàn toàn với ông, Jeremy Allaire, nhà sáng lập Circle, đối thủ lớn nhất của Tether. Circle phát hành đồng stablecoin của riêng mình mang tên USD Coin (USDC). Allaire, một vị CEO luôn diện vest, cảm thấy thoải mái khi xuất hiện tại Davos cũng như trên Phố Wall hay trong các hành lang Quốc hội, đang dẫn đầu chiến dịch nhằm siết chặt quy định đối với Tether đến mức công ty này phải biến mất.

Devasini đã nói với các đối tác kinh doanh rằng Circle đang bôi xấu Tether trước các chính trị gia và thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc chống lại công ty của ông. Theo ông, Circle muốn biến ngành công nghiệp tiền điện tử thành một phần của hệ thống tài chính được quản lý chặt chẽ, trong khi Devasini muốn giữ vững tinh thần phiêu lưu trái ngược.

Giancarlo Devasini, chủ sở hữu chính của Tether. (Ảnh: WSJ).

“Circle sẽ không thắng nếu Tether còn tồn tại”, Devasini chia sẻ một vài tháng trước.

Cuộc chiến này xoay quanh tương lai của ngành công nghiệp tiền điện tử trị giá 3 nghìn tỷ USD. Chính quyền ông Trump, vốn ủng hộ tiền điện tử, được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàng kim cho lĩnh vực này. Mới đây, Trump đã công bố việc thành lập một quỹ dự trữ chiến lược dành cho tiền điện tử.

Thế nhưng, trên thực tế, lời kêu gọi phổ biến tiền điện tử thông qua các quy định của chính phủ đã châm ngòi cho một cuộc chiến sống còn giữa các công ty trong ngành. Các đạo luật, dù được dự đoán sẽ thân thiện với ngành công nghiệp này, vẫn có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho những công như Tether nếu họ đứng sai phía của các quy định mới.

Allaire đã thúc giục chính phủ Mỹ và các quốc gia khác ban hành luật cấm sử dụng token của Tether, vốn được phát hành ở nước ngoài. Một đạo luật như vậy đã có hiệu lực đầy đủ ở Liên minh châu Âu vào tháng 12, và những dự luật tương tự cũng đã được đề xuất tại Mỹ.

Tether hiện là công ty dẫn đầu ngành khi stablecoin của họ được sử dụng trong 4/5 giao dịch tiền điện tử. Công ty mẹ của Tether, trong đó Devasini sở hữu 50%, cho biết họ đã thu về 13 tỷ USD lợi nhuận vào năm ngoái, gấp đôi BlackRock, chủ yếu đến từ danh mục trái phiếu Kho bạc Mỹ siêu an toàn mà Tether nắm giữ để đảm bảo giá trị 1:1 với đồng USD.

Allaire thường xuyên điều trần trước Quốc hội Mỹ để kêu gọi siết chặt quy định, điều này sẽ mang lại lợi ích cho Circle trong khi gây bất lợi cho Tether. Một cấp phó hàng đầu của ông đã vận động các nhà lập pháp nhắm vào Tether vào năm ngoái bằng việc đưa ra các bằng chứng rằng token của công ty này bị sử dụng trong tài trợ khủng bố. WSJ  đưa tin vào tháng 10 rằng Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính Mỹ đang điều tra Tether vì có thể đã vi phạm luật chống tội phạm tài chính.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng USDC trở thành đồng đô la kỹ thuật số được ưa chuộng nhất,” Allaire nói trong một cuộc phỏng vấn.

Jeremy Allaire, người sáng lập Circle. (Ảnh: WSJ).

Ngược lại, Devasini né tránh ánh đèn sân khấu và gần như không bao giờ phát biểu trước công chúng. Trên danh nghĩa, doanh nhân 60 tuổi này là giám đốc tài chính của Tether, và mới đây, công ty thông báo ông sẽ chuyển sang giữ chức chủ tịch. Tuy nhiên, trên thực tế, ông luôn là người điều hành công ty, dù danh thiếp của ông chỉ ghi: “Không chức danh, Không công việc, Không gì cả.”

Phía sau hậu trường, Devasini đang đặt kỳ vọng vào các đồng minh như Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Công ty của Lutnick, Cantor Fitzgerald, hiện nắm giữ phần lớn dự trữ của Tether, và theo các cộng sự, ông này đang nỗ lực ngăn chặn các dự luật bất lợi do Circle hậu thuẫn. Lutnick đã rời khỏi vị trí tại Cantor sau khi được xác nhận vào nội các hồi tháng Hai.

Cả hai công ty đều từ chối bình luận trực tiếp về đối thủ. Allaire cho biết Circle không tập trung vào “thế giới tiền tệ không được kiểm soát” mà nhắm đến toàn bộ thị trường tiền điện tử hợp pháp trị giá 100 nghìn tỷ USD.

Về phần mình, Tether nhiều lần phủ nhận việc hỗ trợ các tổ chức tội phạm và khẳng định họ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật.

Khiến đồng đô la gào thét

Devasini, một người Ý, có một sự nghiệp đầy biến động, bắt đầu là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Milan, sau đó trở thành một nhà nhập khẩu thiết bị điện tử tại Hong Kong. Năm 1995, các công tố viên Ý truy tố ông về tội gian lận do liên quan đến một băng nhóm sao chép phần mềm lậu. Devasini đã đạt thỏa thuận nhận tội với chính quyền và thanh toán khoản bồi thường cho Microsoft.

Ông phát hiện ra ngành công nghiệp tiền điện tử non trẻ và khoảng một thập kỷ trước, nhận ra một cơ hội lớn: Các công ty crypto không thể kết nối tiền kỹ thuật số với hệ thống ngân hàng truyền thống.

Ra mắt vào năm 2014 và đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh, Tether được tạo ra để giải quyết vấn đề này. Các nhà đầu tư có thể đổi tiền pháp định của họ lấy tether với tỷ giá cố định theo đồng USD, sau đó nhanh chóng trao đổi stablecoin này lấy các token khác thông qua blockchain.

Trong mắt Devasini, tether được sinh ra để phá vỡ hệ thống tài chính truyền thống. Vợ ông, một nghệ sĩ, từng trưng bày những bức tranh vẽ các tờ đô la với hình George Washington đang hét lên, vì theo bà, chúng “không còn giá trị gì nữa.”

Sứ mệnh của Allaire lại khác. Doanh nhân người Mỹ 53 tuổi này là một nhân vật kỳ cựu trong giới công nghệ Silicon Valley. Ông từng giữ chức Giám đốc Công nghệ tại Macromedia, công ty tiên phong trong lĩnh vực hoạt hình flash. Với Circle, công ty ông thành lập tại Boston vào năm 2013, một năm trước khi Tether ra đời, Allaire muốn xây dựng một hệ thống tài chính mới cho kỷ nguyên internet, thay thế mạng lưới ngân hàng truyền thống cồng kềnh vốn thường gây đứt gãy trong các giao dịch quốc tế.

Trong khi phần lớn cộng đồng crypto hứng thú với thị trường phi tập trung, thì chiến lược hợp tác với các cơ quan quản lý để phát triển Circle của Allaire lại được coi là “một nước đi ngược dòng,” theo lời Hemant Taneja, CEO quỹ đầu tư mạo hiểm General Catalyst, nơi Allaire từng làm việc.

Taneja và nhiều nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, bao gồm Jim Breyer, người nổi tiếng với khoản đầu tư sớm vào Facebook, đã cùng nhau tài trợ cho tầm nhìn của Allaire. Sau đó, Goldman Sachs, các tập đoàn quản lý tài sản như BlackRock và Fidelity, cùng sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase cũng tham gia đầu tư. Allaire hiện vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất của Circle.

Ban đầu, các cơ quan quản lý tỏ ra hoài nghi khi Allaire gõ cửa và xin cấp giấy phép chuyển tiền. Nhưng ông nhanh chóng gây dựng được danh tiếng là "người trưởng thành," giữa một ngành công nghiệp non trẻ đầy rẫy những kẻ liều lĩnh và lừa đảo. Cuối năm 2013, Allaire lần đầu tiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, kêu gọi chính phủ đi đầu trong việc đặt ra các quy định bảo vệ tiền điện tử khỏi vào tay tội phạm.

“Ông ấy là một trong những người giỏi nhất mà tôi biết khi ngồi xuống làm việc với các chính trị gia cấp cao ở Washington,” Breyer nhận xét.

Cuộc khẩu chiến giữa Circle và Tether nổ ra khi giao dịch crypto ngày càng phổ biến vào năm 2020.

“Điểm mạnh nhất của Tether chính là việc không tuân thủ quy định và sự mập mờ,” Allaire viết trên Twitter vào tháng 1 năm đó, ám chỉ việc Tether trở thành công cụ cho những ai muốn lách hệ thống tài chính.

Trong các bức thư gửi đến chính quyền Mỹ và các quốc gia khác, Circle cảnh báo rằng stablecoin không được quản lý có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng. Tháng 7 năm đó, Circle báo cáo với Hội đồng Ổn định Tài chính (Financial Stability Board), một cơ quan giám sát tài chính toàn cầu, về một sự cố xảy ra hai năm trước khi Tether mất tỷ giá neo với đồng USD do một phần dự trữ của họ bị chính quyền tịch thu trong một cuộc điều tra rửa tiền. Circle lập luận rằng điều này chứng minh stablecoin có thể sụp đổ, khiến người dùng mất sạch tài sản crypto.

Để tạo lợi thế, Circle nhấn mạnh sự minh bạch của mình và công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán vào năm 2021. Sau đó, họ thuê Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, xác nhận các báo cáo tài chính hàng tháng về dự trữ USDC, bao gồm chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Mỹ, một số khoản cho vay ngắn hạn bằng trái phiếu và tiền mặt.

Ngược lại, Tether chỉ công bố các báo cáo tài chính với mức độ chi tiết ít hơn nhiều và chỉ thực hiện điều này sau khi bị các nhà quản lý bang New York ép buộc. Ngoài trái phiếu Kho bạc Mỹ, Tether còn bổ sung dự trữ của mình bằng bitcoin, các khoản vay thương mại, vàng và một số khoản đầu tư không được tiết lộ.

Devasini đã than phiền với các cộng sự trong nhiều tin nhắn mà WSJ có được, cho rằng Tether bị so sánh một cách không công bằng với Circle. Ông nói rằng các công ty kiểm toán không muốn hợp tác với Tether vì danh tiếng của công ty, đồng thời cáo buộc rằng những kẻ xấu đang lan truyền thông tin sai lệch về Tether trên mạng.

“Cuộc chiến chất lượng”

Sau nhiều năm có mức lợi nhuận trung bình, Tether và Circle bất ngờ thu về khoản lợi nhuận khổng lồ vào năm 2022. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, danh mục trái phiếu Kho bạc của Tether đã chuyển từ việc tạo ra hàng chục triệu USD mỗi năm lên hàng trăm triệu USD mỗi quý.

Devasini có vẻ không tiêu xài nhiều từ khoản lợi nhuận khổng lồ mà Tether thu về. Ông thường xuất hiện trong các cuộc họp với một bộ đồ thể thao cũ, đội chiếc mũ lưỡi trai có dòng chữ “FOOL” và đeo một túi đeo chéo lủng lẳng chìa khóa cùng nhiều ổ lưu trữ dữ liệu. Dù vậy, ông vẫn thích khoe với các cộng sự về số tiền khổng lồ mà Tether thu về mỗi ngày.

Tuy nhiên, Devasini cũng cảm thấy khối tài sản mới khiến ông trở thành mục tiêu. Tại một cuộc họp ở Bahamas vào tháng 12 năm đó, ông nói với một đối tác kinh doanh rằng ông tin Tether là mối đe dọa lớn đối với hệ thống ngân hàng quốc tế do Mỹ chi phối, đến mức Nhà Trắng có thể tìm cách đóng cửa công ty này bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Allaire ngày càng thắt chặt mối quan hệ với giới tài chính truyền thống. Cuối năm 2022, Circle giữ phần lớn dự trữ của mình tại Bank of New York Mellon, ngân hàng lưu ký lớn nhất thế giới, cùng một phần tiền mặt tại các tổ chức tài chính chính thống khác. BlackRock trong khi đó quản lý danh mục trái phiếu Kho bạc của Circle.

Tether chủ yếu được điều hành bởi Devasini và một nhóm nhỏ các cộng sự cùng chí hướng, trong đó có Ardoino, một lập trình viên máy tính người Ý có cá tính mạnh, theo nguồn tin thân cận. Ngược lại, Circle có hàng trăm nhân viên cùng một hội đồng quản trị bao gồm nhiều cựu giám đốc điều hành cấp cao.

Allaire từng đăng tweet với nội dung “Flight to quality” (ý nói dòng tiền chảy vào tài sản chất lượng) khi các nhà giao dịch bán tháo tether để chuyển sang USDC, giúp stablecoin của Circle dần thu hẹp khoảng cách với đối thủ.

Tuy nhiên, Circle gặp cú vấp lớn khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào tháng 3/2023, khiến hơn 3 tỷ USD dự trữ tiền mặt của công ty bị mắc kẹt. Các nhà giao dịch hoảng loạn bán tháo USDC, đẩy giá xuống còn 87 cent, một mức giảm nghiêm trọng đối với một stablecoin vốn được thiết kế để luôn giữ giá trị ở mức 1 USD.

Tether nhân cơ hội này để giáng thêm đòn vào đối thủ khi tuyên bố rằng công ty không có bất kỳ liên quan nào đến SVB. “Flight to safety” (ý nói dòng tiền chảy vào tài sản an toàn), Ardoino đáp trả trên Twitter khi nhà đầu tư đổ xô quay lại với tether.

USDC đã khôi phục lại mức neo 1 USD sau khi các cơ quan quản lý cứu trợ SVB. Tuy nhiên, khoảng 20 tỷ USD đã rời khỏi USDC trong suốt phần còn lại của năm.

Ardoino cảnh báo rằng mọi người nên “thực sự cẩn trọng” với một công ty stablecoin như Circle vì họ giữ dự trữ bằng tiền mặt trong các khoản tiền gửi không được bảo hiểm, khiến USDC dễ bị tổn thương nếu ngân hàng gặp sự cố, mặc dù bản thân Tether cũng từng gặp vấn đề bị phong tỏa tài sản vài năm trước. Allaire thì lập luận rằng Circle cần giữ một phần nhỏ dự trữ tiền mặt bên ngoài BNY Mellon và các ngân hàng lớn khác để đảm bảo khả năng thanh khoản khi khách hàng rút tiền.

Tháng 6 năm đó, Allaire kiến nghị Quốc hội Mỹ ban hành một đạo luật về stablecoin, trong đó yêu cầu các nhà phát hành phải tuân thủ các tiêu chuẩn dự trữ nghiêm ngặt và được phép gửi tiền tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nhằm tấn công trực diện vào Tether, ông kêu gọi các biện pháp ngăn chặn việc lưu hành các stablecoin phát hành từ nước ngoài mà “không tuân thủ các quy định của Mỹ.” Ông nhấn mạnh: “Tệ nhất là chúng đang làm suy yếu lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ.”

Allaire cùng các cộng sự đã tích cực vận động trên toàn cầu, từ Nhật Bản, Singapore, Liên minh Châu Âu đến Brazil, để tư vấn cho các chính phủ về việc áp đặt quy định đối với stablecoin, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng nước ngoài để giúp khách hàng địa phương của Circle giao dịch trực tiếp với một tổ chức tài chính được quản lý.

Circle đạt lợi thế

Tại Lugano vào năm ngoái, Devasini ngày càng lo lắng trước những quy định pháp lý siết chặt, cả do các quy định mới và các cáo buộc liên quan đến việc tether bị sử dụng vào mục đích phạm pháp. 

Thị trưởng Lugano, Michele Foletti, mô tả thành phố nhỏ của Thụy Sĩ này là “nơi trú ẩn” của Devasini khỏi thế giới bên ngoài. Ông thường làm việc trong một văn phòng giản dị phía trên một quán bar và dùng bữa cùng Foletti tại một nhà hàng phục vụ bánh panettone theo phong cách bitcoin. Vợ của Devasini thậm chí còn giới thiệu một bức tượng điêu khắc về Satoshi Nakamoto, người sáng lập ẩn danh của bitcoin, tại một công viên ven hồ.

Devasini nói với các cộng sự rằng ông sẽ không đến Mỹ. Trong một nhóm chat, ông tìm kiếm thông tin về số phận của Kim Dotcom, người sáng lập trang web Megaupload đã bị đóng cửa, người mà Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm cách dẫn độ với cáo buộc vi phạm bản quyền.

Tháng 4/2024, Bộ Tài chính Mỹ chỉ đích danh tether là công cụ giúp tài trợ chiến tranh. Đến tháng 6, khẩu hiệu “Tethered to Corruption” (Bị Ràng Buộc với Tham Nhũng) xuất hiện trên các bảng quảng cáo ở Washington, D.C., và Quảng trường Thời Đại của New York. Đây là một phần của chiến dịch từ một nhóm vận động nhằm thu hút sự chú ý đến việc tether bị sử dụng bởi các tổ chức khủng bố và băng đảng ma túy. Nhóm này gọi công ty là “FTX tiếp theo,” ám chỉ sàn giao dịch phá sản của Sam Bankman-Fried, người hiện đang ngồi tù.

Devasini tin rằng Circle đứng sau chiến dịch bôi nhọ này. “Họ đứng sau mọi nỗ lực nhằm nói xấu Tether,” ông nói với một đối tác kinh doanh.

Ardoino sau đó công khai cáo buộc các đối thủ của Tether đã tài trợ cho chiến dịch của nhóm vận động này. Nhóm có tên Consumers’ Research cho biết họ không bao giờ tiết lộ danh tính các nhà tài trợ.

Circle từ chối bình luận về sự việc.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Circle đã thường xuyên gặp gỡ các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính và các cơ quan khác trong suốt năm 2024 để cảnh báo về những rủi ro an ninh quốc gia của tether, theo WSJ.

Tại một phiên điều trầnQuốc hội vào tháng Hai, khi được hỏi về tether, giám đốc chính sách cấp cao của Circle bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Mỹ đang nghiên cứu cách mà đối thủ đang tiếp tay cho các “hoạt động độc hại.”

Bộ Tài chính Mỹ lo ngại đến mức đã cân nhắc việc áp đặt lệnh trừng phạt trực tiếp lên Tether, điều này có thể khiến công ty bị loại khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ và gần như chắc chắn dẫn đến sự sụp đổ của nó. Bộ cũng đề nghị Quốc hội trao quyền mới để nhắm vào các stablecoin nước ngoài được bảo chứng bằng đô la Mỹ nhằm kiềm chế Tether, mặc dù đề xuất này cuối cùng không được thông qua.

Tháng Tư, hai thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand (D., N.Y.) và Cynthia Lummis (R., Wyo.) đã giới thiệu một dự luật nhằm cấm các stablecoin không được quản lý. “Tôi sẽ chọn Circle thay vì Tether,” Lummis tuyên bố vào thời điểm đó.

Circle cũng đã có được giấy phép hoạt động trên toàn EU theo quy định mới, yêu cầu các nhà phát hành stablecoin phải giữ ít nhất 30% dự trữ của họ bằng tiền mặt tại các ngân hàng địa phương. Tether phản đối điều kiện này, cho rằng nó làm gia tăng rủi ro, ví dụ từ sự sụp đổ của SVB. Đáp lại, Coinbase và một số sàn giao dịch khác đã hủy niêm yết các token tether dành cho khách hàng EU.

Một chiến thắng khác cho Circle đến vào tháng 12, khi Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới, hợp tác với họ để thúc đẩy việc sử dụng USDC. Trước đây, Binance từng là trung tâm giao dịch tether trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi nhận tội vi phạm luật tài chính của Mỹ vào cuối năm 2023, ngay cả Binance cũng đứng về phía Allaire.

Chính quyền mới

Devasini vẫn còn một quân bài chiến lược: Bộ trưởng Thương mại Lutnick, người có công ty Cantor Fitzgerald đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc của Tether.

Lutnick đã đích thân đàm phán một thỏa thuận để Cantor đầu tư vào công ty mẹ của Tether thông qua trái phiếu chuyển đổi vào tháng 4/2024. Sau cuộc gặp với Lutnick tại Lugano vào tháng 5, Devasini nói với các cộng sự rằng đồng minh của ông Trump sẽ tìm cách ngăn chặn bất kỳ dự luật nào có thể gây hại cho Tether. Devasini còn tiết lộ rằng Lutnick không ưa Circle.

Bộ Thương mại không bình luận về thông tin này. Người phát ngôn của Cantor cũng từ chối đưa ra ý kiến.

Theo các cộng sự của Devasini, Lutnick đã giúp ông xây dựng mối quan hệ với nhóm Trump. Một tháng sau chiến thắng bầu cử của Trump, Tether đã chi 775 triệu USD để mua cổ phần của nền tảng streaming có tên Rumble, một thương vụ do Cantor quản lý. CEO của Rumble, Chris Pavlovski, một người bạn thân của Donald Trump Jr., đã lên Twitter ca ngợi Tether vì đang lan tỏa "tinh thần tự do của nước Mỹ."

Các thượng nghị sĩ đã chất vấn Lutnick về khả năng xung đột lợi ích liên quan đến Tether. Lutnick lập luận rằng tội phạm sử dụng tether nhiều hơn USDC đơn giản vì nó có thị phần lớn hơn. "Đó giống như việc đổ lỗi cho Apple vì tội phạm sử dụng điện thoại Apple," ông nói.

Khi Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (D., Wash.) hỏi liệu Lutnick có từng tìm cách cản trở các dự luật nhằm quản lý Tether hay không, ông trả lời rằng mình luôn tin rằng Quốc hội cần tránh làm suy yếu "sự thống trị của đồng đô la trên blockchain." Điều này ám chỉ rằng luật pháp không nên quá khắc nghiệt với các công ty như Tether đến mức họ đánh mất thị phần.

Ông không cam kết sẽ không can thiệp vào bất kỳ cuộc điều tra liên bang nào về Tether, mà chỉ viết rằng ông sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo đúng quy định đạo đức của chính phủ. Đề cập đến các cuộc thảo luận trước đó với Devasini, Lutnick tuyên bố: "Tôi chưa bao giờ gợi ý với bất kỳ ai rằng tôi sẽ làm điều gì đó không đúng đắn liên quan đến Tether."

Sau đó, ông Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy “các stablecoin được bảo chứng bằng USD một cách hợp pháp và chính đáng trên toàn cầu.” Lệnh này cũng thành lập một nhóm công tác về tiền mã hóa, trong đó có Lutnick, để xem xét những quy định nào cần được bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Sau khi Lutnick rời Cantor, con trai ông, Brandon Lutnick, người từng thực tập tại Tether ở Lugano, được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty.

Trong khi đó, Circle đã đóng góp 1 triệu USD cho một siêu ủy ban hành động chính trị (super PAC) ủng hộ các ứng viên thân thiện với tiền mã hóa, đồng thời quyên góp thêm 1 triệu USD cho ủy ban nhậm chức của Trump.

Lummis và Gillibrand đã cùng hai Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa giới thiệu một dự luật stablecoin mới vào tháng Hai, được Allaire công khai ủng hộ. Hạ viện cũng đưa ra một đề xuất tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn, Gillibrand nhấn mạnh rằng luật này sẽ giúp các công ty tiền mã hóa nghiêm túc cạnh tranh trong một thị trường công bằng, “mà không bị thiệt thòi hoặc bị làm suy yếu bởi những kẻ bịp bợm hoặc những bên không có tiêu chuẩn an toàn và minh bạch.”

“Tôi không nghĩ rằng Tether hiện tại có thể đáp ứng được các yêu cầu này,” bà nói.

Tăng trưởng của Tether đã chậm lại từ giữa tháng 12 sau khi token của họ bị gỡ bỏ khỏi một số sàn giao dịch.

Trong khi đó, Circle đang bứt phá mạnh mẽ. Tổng giá trị USDC cuối cùng đã vượt qua mức trước sự cố SVB vào đầu tháng Hai. Công ty sắp chuyển vào trụ sở mới tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.