Bóng dáng Vạn Thịnh Phát tại ngân hàng SCB
Ngân hàng “tin đồn” của Vạn Thịnh Phát
Cuối năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB. Vụ sáp nhập biến SCB thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, điều đó cũng phát sinh ra hàng loạt các khoản nợ xấu mà ngân hàng phải giải quyết.
Các khoản nợ xấu của SCB nằm khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Nhà băng này có mối quan hệ tín dụng khá thân thiết với Vạn Thịnh Phát – một trong những tập đoàn bất động sản lớn tại phía Nam.
Tính đến ngày 31/3/2020, tiền gửi khách hàng của SCB chỉ đạt 433.736 tỷ đồng, giảm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Lãi phải thu của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh lên 61.500 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng trong kỳ tăng mạnh lên 653 tỷ đồng, gấp 30 lần so với mức 22,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng tăng vọt khiến lợi nhuận của SCB chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm 60% so với quý 1/2019. Trước đó trong năm 2019 ngân hàng này đã trích lập 2.373 tỷ đồng dự phòng rủi ro.
Quá trình xử lý nợ xấu trái phiếu Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của SCB diễn ra chậm chạp. Tính đến cuối quý I, ngân hàng vẫn đang nắm giữ 31.714 tỷ đồng trái phiếu do VAMC phát hành. Dự phòng trái phiếu mới chỉ đạt 7.556 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với đầu năm.
Những vấn đề về nợ xấu khiến SCB là ngân hàng hiếm hoi không tham gia vào cuộc đua Basel II. Dù có lợi nhuận giữ lại 1.234 tỷ đồng, nhà băng không được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức.
Mặc dù không xuất hiện chính thức, nhưng bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính của cả 3 ngân hàng nói trên.
Bà Trương Mỹ Lan
Khi hợp nhất, SCB đã có thay đổi lớn khi các vị trí chủ chốt tại HĐQT, Ban Tổng giám đốc được nắm giữ bởi đại diện nhóm cổ đông lớn đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú…
Ở nhiệm kỳ đầu tiên 2012 – 2017, HĐQT của SCB có 8 thành viên và bà Nguyễn Thị Thu Sương được bầu làm Chủ tịch, ông Vũ Văn Thành là Phó Chủ tịch và ông Trầm Thích Tồn là thành viên HĐQT…
Bà Sương và ông Tồn đều nắm vị trí quan trọng tại Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Saigon Peninsula – là công ty liên kết của Vạn Thịnh Phát). Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát là công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan.
Nhưng chưa được nửa nhiệm kỳ, bà Sương và ông Tồn bất ngờ xin từ nhiệm tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014. Sau đó 4 ngày, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB – ông Lee George Lam cũng rời khỏi vị trí.
Trên truyền thông dấy lên tin đồn rằng Vạn Thịnh Phát rút khỏi SCB. Tuy nhiên, bà Sương từ nhiệm Chủ tịch HĐQT nhưng có thể vẫn ở lại SCB với vai trò mới là cố vấn HĐQT. Một vị trí tưởng chừng chỉ mang tính chất hỗ trợ nhưng thực tế thời gian qua lại có sức nặng không thua kém HĐQT như thường thấy tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, liệu có phải Vạn Thịnh Phát đã rút khỏi SCB khi hai nhân vật “chóp bu” cùng về ở ẩn?
Thời điểm đó, hai nhân vật được bầu bổ sung vào HĐQT thay thế là vị Tổng giám đốc đương nhiệm Võ Tấn Hoàng Văn và ông Tạ Chiêu Trung.
Dường như thế cờ vẫn chưa hé lộ sự thay đổi bởi bà Sương tuy từ nhiệm Chủ tịch HĐQT nhưng có thể vẫn ở lại SCB với vai trò mới là cố vấn HĐQT. Một vị trí tưởng chừng chỉ mang tính chất hỗ trợ nhưng thực tế thời gian qua lại có sức nặng không thua kém HĐQT như thường thấy tại các ngân hàng.
Doanh nghiệp bất động sản bí ẩn nhất thị trường
Nói về Vạn Thinh Phát, Công ty này ra đời vào năm 1992 do bà Trương Mỹ Lan thành lập, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Công ty đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vạn Thịnh Phát có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel và Cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence tại TP.HCM.
Năm 2007, Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn là CTCP Đầu tư Vạn Thịnh Phát và CTCP Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam và CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (lúc trước là CTCP Đại Trường Sơn) để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Bà Trương Mỹ Lan là một người gốc Hoa, bà còn có tên gọi khác là Trương Muội. Các thông tin liên quan đến bà khá ít ỏi, chủ yếu là thành tích về các hoạt động của bà trong công tác xã hội.
Cuối năm ngoái, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Holdings) đã tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỷ đồng lên 13.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông trong nước. Số vốn điều lệ này vượt qua cả hai tập đoàn khác mà VTP Holdings tham gia thành lập là Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Cùng với đợt tăng vốn, tình hình tài chính của VTP Holdings cũng lần đầu được tiết lộ. Theo đó, quy mô tổng tài sản của công ty mẹ VTP Holdings vào cuối năm 2019 là 15.464 tỷ đồng, được phân bổ vào các khoản đầu tư dài hạn (gần 11.000 tỷ đồng) và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn khoản 3.320 tỷ đồng.
Ngoài số vốn điều lệ mới tăng lên 13.000 tỷ đồng, VTP Holdings hiện có hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại. Đây là số lợi nhuận được ghi nhận từ nhiều năm trước trên báo cáo của tập đoàn.
Trước đợt tăng vốn này, công ty mẹ VTP Holdings trực tiếp đứng ra vay nợ dài hạn khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi tăng vốn khoản nợ dài hạn đã được thanh lý và tổng các khoản nợ trên báo cáo tài chính của công ty mẹ chỉ chưa đầy 380 tỷ đồng.
Dù tham gia thành lập VTP Investment Group và An Dong Group với quy mô vốn lớn và danh mục các dự án bất động sản đắt đỏ bậc nhất tại TP.HCM, nhưng VTP Holdings không sở hữu cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp này do đó không hợp nhất kết quả kinh doanh và chỉ ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn.
Trong 3 năm gần đây, công ty mẹ VTP Holdings chỉ ghi nhận 60 đến 80 tỷ đồng lợi nhuận tài chính. Các khoản lợi nhuận khác cũng không đáng kể. Kết quả là lợi nhuận của công ty mẹ chỉ ghi nhận 24 tỷ năm ngoái và dưới 10 tỷ trong hai năm trước đó.
Được biết, VTP Holdings hiện chỉ nắm giữ trực tiếp các các dự án bất động sản tại Khu Nam Sài Gòn thông qua công ty Đô thị Vệ tinh Jardin. Website của tập đoàn giới thiệu các dự án có tên thương mại là Bonville Land, Olympia Field và Sterling Residence, hiện các dự án này đều chưa triển khai.t
Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group), một doanh nghiệp do VTP Holdings thành lập trước đó cũng công bố các chỉ tiêu tài chính cơ bản cho biết, cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu 9.283 tỷ đồng, trong đó riêng vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Đặc biệt tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu của An Dong Group lên gần 4 lần, tương đương quy mô nợ phải trả khoảng 36.000 tỷ đồng. Trong đó riêng trái phiếu doanh nghiệp này phát hành là 25.000 tỷ đồng, và số lãi phải trả trong năm 2019 khoảng 1.500 tỷ đồng.
Không chỉ An Dong Group huy động vốn lớn qua kênh trái phiếu, năm các năm gần đây, nhiều doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu.
Có thể kể đến các đợt phát hành của Công ty Trang trí Nội thất Norah (3.500 tỷ đồng), Công ty Bông Sen (6.450 tỷ đồng), Công ty Đầu tư Quang Thuận (4.500 tỷ đồng), Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World (3.100 tỷ đồng). Dù gần đây, một phần trong các lô trái phiếu này đã được mua lại trước hạn nhưng quy mô dư nợ trái phiếu của nhóm công ty này ước tính vẫn còn khoảng 2 tỷ USD.
Mai An