BSC nhận định tiềm năng với cổ phiếu MIG, triển vọng nào cho ngành bảo hiểm?

Diên Vỹ 12:18 | 27/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo doanh nghiệp mới công bố gần đây, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) khuyến nghị Theo dõi cho cổ phiếu Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân Đội (mã: MIG), kèm theo nhận định tiềm năng nhưng định giá đã ở mức cao.

 Cổ phiếu MIG: Tiềm năng nhưng định giá đã ở mức cao

Dự báo tiềm năng cổ phiếu MIG, nhóm nghiên cứu BSC đưa ra khuyến nghị THEO DÕI với giá mục tiêu 1 năm ở mức 21.700 VNĐ/ cp dựa trên phương pháp định giá P/B với P/B mục tiêu ở mức 1.8x. 

Quan điểm đầu tư được BSC đưa ra dựa trên một số yếu tố thuận lợi cơ bản, trong đó đáng chú ý nhất là việc MIG lựa chọn chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trong những năm tiếp theo. Cụ thể, MIG có mức tăng trưởng doanh thu phí cao nhất ngành trong 3 năm qua. Định hướng hiện tại của công ty là mở rộng quy mô doanh thu phí bảo hiểm, thông qua tập trung phát triển phân khúc có tăng trưởng cao và hưởng lợi nhờ hệ sinh thái của Ngân hàng Quân đội (MBBank).

Dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh doanh thu phí nhờ dư địa thị trường còn dồi dào và tận dụng được tệp khách hàng lớn của ngân hàng. Tính đến cuối năm 2021, quy mô khách hàng cá nhân của MBBank đạt 12 triệu, trong đó 9.5 triệu giao dịch qua app, và ngân hàng này kỳ vọng số tài khoản mở mới trên app sẽ đạt 19.5 triệu (tức tăng trưởng 105%) trong năm 2022.

Theo đó, BSC dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIG trong năm 2022-2023 sẽ lần lượt đạt mức tăng trưởng 21,5% và 15,2% so với năm liền trước. Đồng thời, nhờ mức tăng trưởng cao 20%/ năm, BSC có triển vọng sớm  áp sát BMI trong cuộc đua thị phần, và gia nhập top 4 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ trong giai đoạn 2022-2023.

Một yếu tố đáng lưu ý khác, lợi nhuận từ đầu tư tài chính của MIG được dự báo tăng nhờ tăng quy mô, cơ cấu danh mục đầu tư và hưởng lợi khi lãi suất huy động tăng. MIG hiện có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên, quy mô vốn điều lệ của MIG sau phát hành sẽ tăng thêm 286 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ giúp MIG tăng mức trách nhiệm giữ lại, qua đó tăng quy mô đầu tư tài chính (hiện đóng góp 82% lợi nhuận). Dự báo quy mô danh mục đầu tư của MIG sẽ tăng 20% trong năm 2022 và tăng 5% trong năm 2023. 

Đồng thời, ngành bảo hiểm nói chung và MIG nói riêng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi lãi suất huy động tăng. “Mặt bằng lãi suất huy động tăng có tác động tích cực đối với hiệu quả đầu tư tài chính do tiền mặt chiếm hơn 50% danh mục đầu tư của MIG. Với mức tăng 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) của lãi suất huy động, chúng tôi dự báo doanh thu tài chính của MIG sẽ tăng thêm từ 10-15 tỷ đồng trong năm 2022-2023”, báo cáo của BSC nêu rõ.

Mặc dù triển vọng doanh nghiệp là tích cực, nhóm nghiên cứu BSC lưu ý rằng định giá cổ phiếu MIG hiện đã cao so với bình quân ngành bảo hiểm phi nhân thọ. “MIG đang được giao dịch ở mức P/B = 2.3x – cao nhất ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Mặc dù MIG có tăng trưởng nhanh so với ngành, chúng tôi cho rằng mức định giá trên cao hơn nhiều so với trung bình ngành và cao hơn so với tăng trưởng về hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp”.

Chốt phiên cuối tuần trước 24/6, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MIG giao dịch ở vùng 24.500 đồng/cp, giảm gần 10% so với mức đỉnh 27.200 đồng/cp vừa xác lập hồi đầu tháng 6. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng đáng kể của mã này so với thị giá ở thời điểm đầu năm là 20.900 đồng/ cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2022, MIG ghi nhận tăng trưởng mạnh trong doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng chung 14,7% của cả ngành. Trong khi đó, chi bồi thường và chi khác tăng thấp hơn, giúp tỷ lệ kết hợp giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Dự báo kết quả kinh doanh năm nay, BSC cho rằng doanh thu phí bảo hiểm thuần của MIG có thể tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.585 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 256 tỷ đồng, tăng 14,3%. 

 

Triển vọng cổ phiếu bảo hiểm vẫn lạc quan

Nhìn rộng ra toàn ngành, trong báo cáo triển vọng ngành mới cập nhật vào tháng 6, Chứng khoán Sài gòn (SSI) duy trì quan điểm Luật kinh doanh Bảo hiểm mới sẽ có tác động tích cực đến cổ phiếu bảo hiểm trong dài hạn. Dù vậy, nhóm nghiên cứu cảnh báo, mặc dù các công ty môi giới bảo hiểm hiện vẫn được hưởng biên lợi nhuận cao, các  công ty kinh doanh bảo hiểm lại đang phải chịu gánh nặng giải quyết bài toán quản lý chi phí và khả năng sinh lời ở mức thấp.

SSI chỉ ra rằng theo báo cáo tài chính quý I/2022 của các doanh nghiệp, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng mạnh ở hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, ngoại trừ Bảo hiểm Bảo Việt (BVH) và PGI. Cụ thể, BIC và MIG đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất với mức tăng lần lượt là 41% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn cá nhân. Với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm mạnh mẽ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (ngoại trừ ABI, PTI) đều đạt kết quả quan. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp đều duy trì ở mức thấp, mặc dù đã tăng từ đáy vào quý III/2021.

Dù vậy, thu nhập từ hoạt động đầu tư giảm đáng kể, một mặt do lãi suất huy động bình quân thấp hơn và mặt khác các doanh nghiệp không còn nhiều lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu như trong quý I//2021. Nhìn chung, lợi nhuận sau thuế của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ giảm 1% so với cùng kỳ 2021.

Dự báo cho quý II/2022, SSI cho rằng lợi nhuận có thể sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi. “Ngoại trừ ABI, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng từ 2% - 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% - 46% lợi nhuận đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Ngoài ra, mặc dù lãi suất tăng nhưng tỷ lệ bồi thường sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như 2021. Do đó, nhóm nghiên cứu SSI duy trì quan điểm tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của nhóm ngành bảo hiểm vẫn sẽ khả quan nhưng tác động của môi trường tăng lãi suất có thể sẽ thể hiện rõ hơn ở tăng trưởng lợi nhuận năm 2023.

Tương tự đánh giá của SSI, nhóm chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng triển vọng ngành vẫn tương đối tích cực do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở thị trường nội địa hiện vẫn ở mức khá thấp so với khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người nhìn chung có xu hướng gia tăng.

“Đồng thời, cơ hội đầu tư trong ngành có thể sẽ đến từ những doanh nghiệp còn câu chuyện thoái vốn và đang có mức P/B thấp so với ngành, cùng năng lực cạnh tranh tốt nhờ lợi thế thị phần như PVI", báo cáo ngành của BVSC nêu rõ.