Vì sao doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản?

Đông Bắc 16:28 | 17/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp luật định.

Ngày 16/6, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội biểu quyết thông qua với 94,18% đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đó, luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 với một loạt thay đổi theo hướng siết quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng không được đầu tư kinh doanh trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, trừ trường hợp mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.

Các công ty bảo hiểm cũng được cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm được nắm giữ bất động sản, bao gồm quyền sử dụng đất do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản. Tuy nhiên, việc nắm giữ này chỉ được kéo dài tối đa 3 năm, sau đó doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành chuyển nhượng hoặc thanh lý bất động sản.

Việc siết hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm đã được cơ quan soạn thảo đưa ra từ lần xây dựng dự thảo đầu tiên. Trước đó, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10-20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ.

Bên cạnh quy định về việc đầu tư bất động sản, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định các doanh nghiệp bảo hiểm không được đi vay để đầu tư chứng khoán; không đầu tư vào kim loại quý, đá quý; không đầu tư chứng khoán phái sinh hoặc hợp đồng phái sinh, trừ trường hợp chứng khoán phái sinh niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm.

Các doanh nghiệp này cũng không được thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trừ việc thành lập, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.

Ngoài các quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, các quy định mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khi đầu tư ra nước ngoài phải tách biệt việc đầu tư và không được dùng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.