Bức tranh kinh tế toàn cầu nhìn từ biểu đồ: Thị trường nhà ở hạ nhiệt từ Mỹ đến châu Á
Không riêng những tín hiệu ảm đạm trên thị trường bất động sản góp phần gia tăng sắc xám lên kinh tế toàn cầu. Tờ Bloomberg đã đưa ra một số biểu đồ về những diễn biến mới nhất tại các nền kinh tế nói chung, để phản ánh nhiều khía cạnh hơn của bức tranh triển vọng kinh tế.
Mỹ
Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng với tốc độ chậm hơn, nhưng vẫn quanh quẩn gần mức cao kỷ lục trong hơn bốn thập kỷ. Cục Dự trữ Liên bang (FED) do đó tiếp tục bày tỏ quan điểm kiên định với việc tăng lãi suất cho đến chừng nào lạm phát thực sự hạ nhiệt. Trong 2 cuộc họp gần nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED, các quan chức ngân hàng trung ương đã đồng thuận mức tăng lãi suất 0,75% hai lần liên tiếp. Thị trường hiện đặt cược vào khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp vào tháng 9 này.
Chính sách tiền tệ chuyển hướng sang siết chặt của FED đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về sức khỏe hiện tại và triển vọng tương lai của nền kinh tế Mỹ. Trong quý II/2022, thời điểm FED bắt đầu tăng lãi suất, tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm tốc 0,6%, mức giảm trong hai quý liên tiếp và đưa nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, một thước đo sức khỏe kinh tế chính thức khác là GDI - tổng thu nhập quốc nội lại tăng với tốc độ 1,4%.
Trong khi thị trường chứng khoán phục hồi liên tục, cả ba chỉ số chính đã mất chuỗi tăng và đi sâu vào vùng giảm trong 2 tuần liên tiếp gần nhất. Nhiều dự báo cho rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục lùi vào vùng điều chỉnh trong tháng 9 tới.
Trên thị trường bất động sản, doanh số bán nhà giảm trong tháng 7, tháng giảm thứ sáu kể từ đầu năm đến nay, và gần như là mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, kéo dài thời kỳ suy yếu của thị trường nhà ở trong bối cảnh kỳ vọng lãi suất tăng làm chùn chân người mua.
Châu Âu
Tại lục địa già, chi phí năng lượng bán buôn được dự báo sẽ tăng 96% trong khoảng giữa năm 2021 đến quý II/2023. Hàng loạt chuyên gia, giới phân tích đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở Anh và châu Âu, bao gồm cả các khởi động những giải pháp chưa từng có.
Hết thời tiền rẻ, lãi suất tăng trở lại. Trong khi đó, giá năng lượng vẫn tăng vùn vụt và lạm phát dai dẳng trên đỉnh. Tại châu Âu, rủi ro về một cuộc suy thoái đang hiện hữu ngay trước mắt. Còn trên thị trường nhà ở, triển vọng kinh tế ảm đạm đang làm dấy lên lo ngại về một đợt điều chỉnh giá mạnh mẽ.
Tại Anh, đề xuất từ các chính trị gia, cựu bộ trưởng, nhà phân tích năng lượng và nhà kinh tế đang lặp lại các giải pháp của những năm 1970 bao gồm quốc hữu hóa ngành công nghiệp năng lượng, ấn định giá cả…. Đáng lo hơn, làn sóng đình công tại Anh và một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức khi người lao động đòi tăng lương do khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát dự báo dai dẳng… đang đặt ra nhiều áp lực hơn với triển vọng kinh tế.
Châu Á
Các đơn đặt hàng xuất khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ giảm trong tháng 7 do nhu cầu từ khách hàng Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) giảm xuống mạnh mẽ 22,6%. Là thị trường quan trọng trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, bất kỳ dấu hiệu nào không chắc chắn tại Đài Loan cũng có thể là chỉ báo về những thách thức mới với các ngành công nghiệp tiên tiến cần chip của toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc cũng đang đặt ngân hàng trung ương nước này trước những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay, trong bối cảnh các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ liên quan đến chính sách zero COVID tiếp tục được triển khai, và gần đây nhất là tình trạng nắng nóng kéo theo cuộc khủng hoảng điện ở một số tỉnh thành mà trung tâm là Tứ Xuyên.
Châu Úc
Việc tăng lãi suất nhanh chóng của ngân hàng trung ương Australia đang gây chấn động cho các hộ gia đình - những người đang nợ tín dụng số tiền lớn, đồng thời đe dọa thị trường tài sản quốc gia.
Lập trường diều hâu của các ngân hàng trung ương
Theo thống kê của Bloomberg, ít nhất hơn 80 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay, dẫn đầu là mức tăng của các ngân hàng trung ương lớn như FED và ECB (ngân hàng trung ương châu Âu).
Ngân hàng trung ương của Israel gần đây đã khiến hầu hết các nhà kinh tế ngạc nhiên khi đưa ra mức tăng lãi suất 0,75% - lớn nhất trong hai thập kỷ -để nâng nền lãi suất cơ bản lên 2% trong bối cảnh lạm phát đạt đỉnh 5%. Ngân hàng trung ương Iceland cũng tăng lãi suất lên0,75%, trong khi Botswana chọn mức tăng lãi suất 0,5%. Các quan chức ở Paraguay, Indonesia và Hàn Quốc tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất.
Tờ Bloomberg cho hay tại Mỹ, doanh số bán nhà mới tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Còn tại Australia, một số nhà nghiên cứu kinh tế quan ngại đà sụt giảm doanh số bán nhà có thể trở thành một trong những chỉ báo về nguy cơ suy thoái. Tại thủ đô London của Anh, giá nhà đã giảm hoặc không có dấu hiệu tăng trong gần một nửa số quận. Còn tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản đang trở thành một thách thức lớn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Từ châu Mỹ đến châu Âu và châu Á, thị trường bất động sản nhà ở đang cho thấy những dấu hiệu suy yếu, phản ánh một phần tác động của việc các ngân hàng trung ương lớn siết chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất.