Áp lực lạm phát và dự trữ ngoại hối sẽ khiến NHNN thận trọng hơn trong nới lỏng chính sách tiền tệ

Hạ An 15:33 | 06/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh cùng với áp lực tỷ giá, lạm phát vẫn ở mức cao là những lý do khiến NHNN có thể thận trọng hơn trong việc duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo "Triển vọng Kinh tế và Thị trường tài chính Việt Nam quý II/2024" từ Shinhan Bank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng từ giữa năm 2023 để kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh và áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao khiến NHNN thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai.

Các chuyên gia từ Shinhan Bank phân tích, khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất, thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng ​​sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nguyên nhân là do nền kinh tế khó khăn hậu COVID-19 khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh, tuy nhiên nhờ các chính sách giảm lãi suất của NHNN và các ngân hàng thương mại nên tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trong quý IV và đạt 13,8% vào cuối năm 2023.

NHNN đang thận trọng hơn

Lãi suất huy động và cho vay của 4 ngân hàng lớn giai đoạn từ tháng 12/2021 - tháng 12/2023. (Nguồn: Shinhan Bank).

Năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng trưởng tín dụng bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục và hạ lãi suất.

Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng yếu nên trong đến nay tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt hơn 1%. Điều này khiến NHNN nhiều khả năng sẽ kiên định trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Mặc dù vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ đang đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu.

Triển vọng tỷ giá 2024. (Nguồn: Shinhan Bank).

 

 

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND nửa đầu năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như đồng nhân dân tệ suy yếu do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và các yếu tố nội lực như nhu cầu trong nước trì trệ và tăng trưởng tín dụng thấp.

Dự kiến tỷ giá sẽ giảm dần sau khi Ngân hàng trung ương ở các quốc gia lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn FDI tăng lên.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá có thể sẽ chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện.

 

 

Báo cáo mới đây của Wigroup cũng cho rằng NHNN đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD – tính đến năm 2023).

Bộ phận phân tích từ Wigroup đánh giá tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024. Nguyên nhân là Fed chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng, việc giảm nhịp độ thắt chặt có thể được xem là một động thái nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến sẽ tăng cao và hiện NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02 hướng tới tỷ giá VND – USD trong giao dịch kỳ hạn,….

Áp lực lạm phát sẽ gia tăng

Diễn biến giá xăng và dầu thô thế giới. (Nguồn: WiResearch).

 

 

Về lạm phát, các chuyên gia phân tích từ Wigroup đánh giá lạm phát sẽ chịu áp lực cao trong thời gian tới. Tính đến tháng 4/2024, lạm phát tăng lên mức 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khá gần với lạm phát trung bình mục tiêu Chính phủ 4,5%.

Lạm phát đang tập trung vào giá lương thực, xăng dầu, Nhà ở & Vật liệu xây dựng và dịch vụ giáo dục tăng so với mức nền thấp tháng 4/2023. Wigroup dự báo áp lực lực lạm phát Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 4% ít nhất là trong quý II/2024.

Sự gia tăng lạm phát đột biến này có thể đến từ giá dầu thô sẽ tăng lên mức cao mới, ảnh hưởng bởi rủi ro địa chính trị toàn cầu và Nga tuyên bố sẽ duy trì cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 500 nghìn thùng/ngày, duy trì cho đến hết năm 2024.

"Điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá xăng dầu trong nước, khiến chỉ số giao thông tăng đột biến (chiếm 10% rổ CPI). Cũng như giá điện, giá học phí, chi phí chăm sóc sức khoẻ và tăng trưởng tín dụng,… tăng là nguyên nhân tác động đáng kể đến lạm phát", báo cáo từ Wigroup cho hay.