Bức tranh ngân hàng “méo mó” từ những lãnh đạo biến chất (Bài 1)

10:01 | 05/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quy mô các vụ án về tín dụng ngân hàng ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội ngày càng gia tăng, có cả cán bộ giữ vai trò chủ chốt, có chức vụ.

Trong nhiều năm trở lại đây, quy mô các vụ án về tín dụng ngân hàng ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội ngày càng gia tăng, có cả cán bộ giữ vai trò chủ chốt, có chức vụ, quyền hạn cao.

Theo tìm hiểu, tính chất các vụ án về tín dụng, ngân hàng ngày càng phức tạp. Hành vi phạm tội có tổ chức liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều người tham gia, có “dây”, có “ô dù” che chắn, bọc lót, móc xích chặt chẽ, trong đó có nhiều cán bộ đảng viên, nhiều người có trình độ chuyên môn cao.

Chuyên gia kinh tế Bùi Xuân Thắng cho rằng, trong các vụ án về tín dụng ngân hàng, đối tượng phạm tội ở lĩnh vực này thường móc nối với những phần tử tiểu cực như bọn lừa đảo, môi giới, mua bán dự án, kinh doanh trái phép, môi giới, đưa hối lộ, nhận hối lộ… Với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi.

Bức tranh ngân hàng “méo mó” từ những lãnh đạo biến chất (Bài 1) - ảnh 1

Ảnh minh họa.

“Các đối tượng thường lợi dụng những kẽ hở của chính sách pháp luật, sự thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ của cơ chế, những yếu kém trong nghiệp vụ, buông lỏng quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý để cố ý làm trái, vi phạm những quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” – chuyên gia Thắng cho hay.

Từ thực tiễn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng thường xuất phát từ những sai phạm sau: Cố ý làm sai các quy định, quy trình, nhằm hợp pháp hóa thủ tục vay và cho vay vốn. Nhân nhượng hoặc làm ngơ trước những sai sót của khách hàng. Các nội dung can thiệp trái pháp luật của lãnh đạo. Lợi dụng sự sơ hở của chính sách quản lý về ngân hàng và cho vay  để tư lợi. Chính sách với khách hàng Vip còn nhiều sơ hở. Cho vay tín chấp không đủ điều kiện, “vay ké”, “vay lại” để sử dụng vào mục đích tư lợi.

Từ những vi phạm trên, dẫn đến thủ đoạn phạm tội của cán bộ ngân hàng như: Lập hồ sơ vay vốn giả của khách hàng để rút tiền kinh doanh bất động sản, chứng khoán và cho vay nặng lãi. Như vụ Bùi Thị Tâm, cán bộ Ngân hàng Cổ phần Đông Á quận 5 TP Hồ Chí Minh) làm hồ sơ giả hơn 700 hồ sơ vay chiếm đoạt 160 tỷ đồng.

Lợi dụng chuyển tiền, nhận quà qua ngân hàng bằng chứng minh nhân dân để rút tiền. Vụ Hoàng Văn Luận, Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Gia Lâm, Hà Nội lập khống giấy nhận tiền, ghi tên khách hàng bất kỳ, giả chữ ký thủ quỹ…chuyển tiền đến ngân hàng khác, sau đó dùng chứng minh nhân dân rút tiền chiếm đoạt.

Làm giả chữ ký của người gửi tiền, chữ ký của giao dịch viên, rút một phần hoặc toàn bộ tiền của khách hàng gửi (Vụ Lê Hoài Phương, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Cầu Giấy, Hà Nội) lấy cắp mật khẩu, truy cập mã giao dịch vay Chương trình quản lý tiền ngân hàng chiếm đoạt 28 tỷ đồng.

Nhận tài sản thế chấp của khách hàng (sổ đỏ) không nhập kho quỹ mà đem cầm cố vay vốn bên ngoài (vụ Vũ Thị Hồng Điệp, Ngân hàng NN và PTNT Chi nhánh Tân Lập, Buôn Hồ, Đăks Lăk) lấy 07 sổ đỏ của khách hàng thế chấp mang đi vay ngoài 26 tỷ đồng, chiếm đoạt riêng.

Làm giả sổ tiết kiện, tẩy xóa số dư trên sổ tiết kiệm của khác hàng chiếm đoạt tiền của ngân hàng (vụ Trần Lệ Thủy, phòng giao dịch khách hàng ngân hàng Đông Đô, Hà Nội) tẩy xóa số dư trên sổ tiết kiệm của người thân, sửa số dư 190 triệu thành 272 tỷ đồng rồi thế chấp ở ngân hàng Đông Đô, rút và chiếm đoạt 300 tỷ đồng.

Làm giả con dấu chữ ký giả mạo giấy tờ lừa đảo chiếm đoạt tham ô tiền ngân hàng ký hợp đồng huy động vốn với lãi xuất cao, rồi chiếm đoạt tài sản. Vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như, Chi nhánh NHTMCP Công thương Nhà Bè chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của 2 ngân hàng, công ty chứng khoán, và rất nhiều doanh nghiệp khác… là một ví dụ điển hình nhất.

Luật sư Giang Hồng Ngọc – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Trong các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến lãnh đạo ngân hàng, khách hàng vẫn là những người chịu hậu quả cuối cùng. Không ít gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà mất cửa sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Luật sư Ngọc cho hay, nếu việc lừa đảo xảy ra ở những nhân viên ngân hàng thì việc quản lý và phát hiện không gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu là những lãnh đạo biến chất thì sẽ vô cùng khó nắm bắt.

Phân tích nguyên nhân các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng có thể nhìn nhận thấy rõ từ những tác động của khủng hoảng tài chính; những thiếu sót, vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật; sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan tố tụng với ngân hàng; mong muốn trục lợi của một bộ phận cán bộ, ngân viên ngân hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng “gặm nhấm miếng bánh” ngân hàng từ nhiều phía.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan về thực trạng các phi vụ lừa đảo của các cán bộ ngân hàng cũng như tình trạng tội phạm trong hoạt động tín dụng, Doanh nhân Việt Nam khởi đăng tuyến bài  liên quan đến hoạt động của các nhà băng.

Xuân Tùng