Bùng nổ kinh tế nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải

18:50 | 01/08/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thời gian qua, các nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với sự tham gia của hàng loạt nền tảng lớn trên thế giới cũng như sự ra đời của các nền tảng trong nước đã tạo nên một cuộc cạnh tranh vô cùng sôi nổi trên thị trường. Đồng thời, sự phát triển kinh tế nền tảng cũng tạo nên những thách thức trong quá trình xây dựng chính sách quản lý mô hình kinh tế mới này.

Nhiều nền tảng du lịch, vận tải ra đời

Nền tảng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, trong đó công nghệ được sử dụng để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái có sự tương tác để tạo ra và trao đổi lượng giá trị gia tăng đáng kinh ngạc. Mô hình kinh doanh mang tính đột phá này đã làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp cũng như xã hội.

Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lượng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, phương tiện truyền thông, bán lẻ cho đến vận tải và du lịch. Trong đó, vận tải và du lịch có thể được coi là hai lĩnh vực phát triển mạnh mẽ của kinh tế nền tảng.

Bùng nổ kinh tế nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải - ảnh 1
Các ứng dụng đặt phòng, vé máy bay tạo nên sự cạnh tranh đối với các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống

Sự ra đời của hai nền tảng nổi tiếng hoạt động như một sàn giao dịch kết nối nhà tư nhân là HomeAway (hoạt động tại 190 quốc gia) và AirBnb (119 quốc gia) và hàng loạt các trang đặt phòng khác đã giúp tăng trưởng một cách đáng kể nguồn cung phòng chất lượng tốt với giá hợp lý, vì thế đã đóng góp cho việc phát triển du lịch tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hai nền tảng này cũng gây xáo trộn thị trường lưu trú ngắn hạn bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống và tại thị trường cho thuê nhà dài hạn. Các chủ khách sạn, nhà nghỉ phàn nàn về điều kiện kinh doanh không công bằng khi họ phải có giấy phép và tuân thủ nhiều quy định kinh doanh ngặt nghèo trong khi các chủ nhà cho thuê trên AirBnb thì không cần. Nhiều chủ nhà cho thuê dài hạn đã ngừng cung cấp dịch vụ để cho thuê ngắn hạn trên AirBnb dẫn tới thiếu hụt trầm trọng nhà cho thuê tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Tại Việt Nam, các nền tảng này cùng với một loạt nền tảng mới ra đời như Booking.com, Agoda, Traveloka, Trivago, TripAdvisor... tạo nên một sân chơi vô cùng sôi nổi. Việc đặt phòng khách sạn, vé máy bay trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết.
Bùng nổ kinh tế nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải - ảnh 2
Một nền tảng gọi xe của Việt Nam

Trong lĩnh vực vận tải cũng chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế nền tảng khi hàng loạt nền tảng như Uber, Grab, Fastgo, Go-Jek. VATO, T.NET, Emddi, Gonow, dichung.vn, Now.vn… đã tạo ra một mạng lưới gọi xe nhanh, tiện lợi với giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của chúng cũng khiến cho quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn. Làn sóng phản đối Grab, Uber thời gian qua của các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam là một ví dụ điển hình. Các hãng taxi truyền thống cũng cho rằng đây là một cuộc cạnh tranh không công bằng khi họ phải chịu nhiều sự quản lý từ luật trong đó có một vấn đề lớn là thuế trong khi Grab, Uber thì không hẳn thế.

Ban đầu, có thể nhận định kinh tế nền tảng là một mô hình kinh tế tích cực. Các nền tảng được cho là có thể giúp cải thiện năng suất, giảm chi phí kinh doanh, giảm các khâu thiếu hiệu quả của mô hình kinh doanh hiện tại, tạo ra các nhu cầu mới, thị trường mới, gia tăng sự linh hoạt, cũng như tăng khả năng giao tiếp cận thị trường cho người lao động và doanh nghiệp.

Xu hướng quản lý kinh tế nền tảng trong ngành du lịch và vận tải

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, các nền tảng trong ngành du lịch như Booking.com, Agoda, Traveloka đã sớm tham gia vào thị trường Việt Nam bằng việc kết nối các chuyến bay, khách sạn, nhà nghỉ tại hầu hết các tỉnh trên cả nước.

Năm 2015, nền tảng AirBnb đến Việt Nam đã gây biến đổi ít nhiều về mô hình kinh tế chia sẻ. Rất nhiều chủ nhà trên AirBnb là những người kinh doanh chuyên nghiệp chứ không chỉ là những người chia sẻ không gian dư thừa trong nhà mình. Nếu như AirBnb khá mới và chưa từng có sự cố nào tại Việt Nam thì các nền tảng khác trong ngành du lịch như Agoda, Booking, Traveloka và Expedia đã bắt đầu gặp tai tiếng trong hoạt động của mình, trước hết là về thuế, vì các doanh nghiệp này hoạt động xuyên biên giới.
Bùng nổ kinh tế nền tảng trong lĩnh vực du lịch và vận tải - ảnh 3
Giao diện đặt phòng của Agoda. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng giống như các nước khác, Việt Nam chưa ban hành quy định nào riêng để quản lý nền tảng kết nối trong lĩnh vực du lịch. Về quản lý thuế, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 848/BTC-TCT ngày 18/01/2017, yêu cầu các doanh nghiệp Agoda, Booking, Traveloka và Expedia… đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (5% trên doanh thu được hưởng) và thuế giá trị gia tăng (5% doanh thu) thông qua cơ sở lưu trú Việt Nam.

Về lĩnh vực vận tải, theo dự định mới nhất của Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đưa ra định nghĩa mới về kinh doanh vận tải, trong đó coi “phần mềm kết nối” nếu tham gia vào công đoạn định giá, điều hành xe sẽ là hoạt động kinh doanh vận tải. Với định nghĩa này, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối sẽ đều được coi là đơn vụ kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê lao động là lái xe…

Tuy nhiên, theo ông Long, việc định danh nền tảng là dịch vụ vận tải có thể gây ra những tác động tiêu cực như: Triệt tiêu chuyên môn hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nền tảng và gây chồng chéo trong thực thi về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các bên khi đơn vị cung cấp nền tảng hợp tác với đơn vị vận tải.