BVSC: Áp lực lạm phát gia tăng từ các các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm

Anh Đào 07:38 | 04/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá một số loại lương thực tăng trở lại và mức giảm giá xăng thu hẹp trong tháng 8 đã khiến chỉ số CPI có diễn biến tăng cao hơn so với một vài tháng trước. Trong khi giá lúa gạo đang có diễn biến tăng mạnh, và giá thực phẩm cũng ở mặt bằng cao hơn so với cuối năm 2022.

Trong báo cáo vừa công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định về một số yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn với lạm phát trong các tháng cuối năm và đầu năm 2024.

Chỉ số CPI tăng 2,96% so với cùng kỳ trong tháng 8, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 cho tới nay, đồng thời tăng mạnh 0,88% so với tháng trước, cao nhất từ tháng 2/2022. Dù vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số CPI trung bình tăng 3,1% so với cùng kỳ.

 

Nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, 7,14% do giá nguyên vật liệu, giá thuê nhà, và giá điện đã có diễn biến tăng. Xét về mức đóng góp, nhóm này tiếp tục tạo áp lực tăng lớn nhất lên chỉ số CPI, ở mức 1,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số CPI.

Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giao thông tiếp tục giúp giảm áp lực tăng lên chỉ số CPI, khi giảm lần lượt 1,11% và 0,31% so với cùng kỳ. Đà giảm của nhóm giao thông đã thu hẹp đáng kể, từ 11,98% trong tháng 6 xuống còn 0,31%.

 

Giá một số loại lương thực tăng trở lại và mức giảm giá xăng thu hẹp trong tháng 8 đã khiến chỉ số CPI có diễn biến tăng cao hơn so với một vài tháng trước. Giá xăng đã tăng lên mức cao nhất từ tháng 9/2022, nên có thể sẽ quay trở lại tạo áp lực tăng lên CPI, trong khi giá lúa gạo đang có diễn biến tăng mạnh, và giá thực phẩm cũng ở mặt bằng cao hơn so với cuối năm 2022. Theo BVSC, điều này sẽ tạo ra áp lực lớn hơn với lạm phát trong các tháng cuối năm và đầu năm 2024. 

Dù vậy, chỉ số lạm phát trung bình vẫn được hỗ trợ ở mặt bằng cao của chỉ số CPI cơ bản trong các tháng cuối năm 2022 và mức trung bình thấp của chỉ số CPI tổng thể trong 8 tháng đầu năm (3,1%). Với quan điểm thận trọng, khi dự báo CPI các tháng cuối năm có thể tăng trở lại lên trên 3%, BVSC vẫn dự báo chỉ số CPI cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 3-3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra (4,5%).