Kiểm soát giá cả trước nguy cơ gia tăng lạm phát
Tại hội thảo Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 3/7, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến nhằm tìm giải pháp quản lý, điều hành giá theo mục tiêu để ra.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý 3/2023. Bởi vậy, trong quý 3/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
“Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn một số vấn đề trong kiểm soát lạm phát. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát mặc dù được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khó khăn, sức ép như cùng lúc phải chịu tác động kép giữa thay đổi chính sách điều hành của các nước trên thế giới, biến động giá cả hàng hóa cơ bản toàn cầu, và việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công, nhất là điều chỉnh tăng lương từ ngày 1/7 vừa qua.
Cục Quản lý giá cũng dự báo áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm và quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.
Về thị trường trong nước những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường; chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả hàng hóa có khả năng tăng giá rất cao trong giai đoạn cuối năm 2024 và giai đoạn tiếp theo sau khi tăng lương 30% kể từ ngày 1/7.
Do đó, để góp phần ổn định mặt bằng giá cả sau khi tăng lương nhóm nghiên cứu gồm ông Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) và Nguyễn Thị An Hưng, Cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhân thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan như nhà nước, doanh nghiệp, dân cư, các đối tượng hữu quan khác.
Theo đó, về phía nhà nước, cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết, hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu, tăng cường hiệu nang quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp, coi trọng tuyên truyền để ổn định tâm lý công chúng trước tình hình tăng lương, khuyến khích cạnh tranh theo giá, tăng cường nhập khẩu để ổn định giá và tăng lãi suất huy động, phát hành trái phiếu dự án hoặc trái phiếu doanh nghiệp có nhà nước bảo lãnh để thu hút phần nào lượng tiền nhàn rỗi trong lưu thông.
Đối với doanh nghiệp, cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn để tiết kiệm chi phí, khai thác mọi sự hỗ trợ để tiết kiệm chi phí.
Đối với công chúng, cần ổn định tâm lý, không chạy theo tâm lý đám đông, không tự gây ra làn song đô xô mua hàng hóa khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Độ nhận định, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Tính trung bình, CPI trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4% (+/-0,2%).
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra; thêm vào đó, Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước việc tăng tiền lương, Cục Quản lý giá cho biết cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4,0-4,5%.
Đồng thời, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2024, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Con số trên đã khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Từ đầu năm tới nay, thời tiết tương đối ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả mặt hàng nông sản không có biến động lớn. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây lan tại một số địa phương, giá thịt lợn có xu hướng tăng tuy nhiên mức tăng không đáng kể do cung đáp ứng cầu.
Dưới tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen, tuy nhiên xu hướng chung thì giá xăng dầu bình quân tháng 6 chênh lệch không nhiều so với đầu năm (trừ dầu Mazut tăng mạnh), giá bán lẻ LPG trong nước giảm 11.000 đồng/bình 12 kg so với đầu năm.
Giá vật liệu xây dựng tương đối ổn định, không còn hiện tượng sốt giá cát xây dựng như năm ngoái, giá cát và đá xây dựng chỉ tăng nhẹ trong khi giá nhựa đường giảm so với cùng kỳ năm 2023, ngành sản xuất xi măng vẫn đối diện với nhiều khó khăn do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu đều thấp; mặt hàng thép có dấu hiệu phục hồi nhẹ do nhu cầu xây dựng sang năm 2024 có chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên do nguồn cung vẫn rất dồi dào, nhu cầu xuất khẩu còn hạn chế và tác động tăng, giảm đan xen của giá thế giới nên giá thép chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023.
Theo Cục Quản lý giá có một số yếu tố khiến CPI tăng như việc tăng giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông.
Song cũng có các yếu tố làm giảm CPI là giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Giá xăng dầu trong nước biến động phức tạp theo thị trường thế giới và giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4/2024 cho đến nay góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá, tính đến ngày 27/6/2024 liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 26 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó giá xăng E5RON92 và dầu hỏa tăng 14 lần, giảm 12 lần, giá xăng RON95 tăng 15 lần giảm 11 lần, giá dầu diezen tăng 13 lần, giảm 13 lần, giá dầu mazut tăng 17 lần, giảm 9 lần; ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.