Các chuyên gia nói gì về gói hỗ trợ 26.000 tỷ cho doanh nghiệp?
Còn nhiều điểm "nghẽn" phải giải quyết
Được biết, trong số 26.000 tỷ của gói hỗ trợ đã được Chính phủ thông thì bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ nhận được khoảng 7.500 tỷ đồng.
Tuy gói hỗ trợ có nhiều điều khoản nhận được sự ủng hộ từ các chuyên gia nhưng không ít những nghi ngại xuất hiện như những đợt lần trước về khả năng "hấp thụ" từ doanh nghiệp.
Báo VTC đã có một cuộc thăm dò ý kiến của các chuyên gia và đã nhận được nhiều câu trả lời đi kèm những thắc mắc về hiệu quả của gói cứu trợ lần này của Chính phủ.
Theo đó, với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì điều mà bà đang băn khoăn nhất chính là các đối tượng được hưởng. Với bà, gói hỗ trợ mới tuy đã cải nhiện nhiều được vấn đề về thủ tục nhưng tốc độ giải ngân có thể vẫn chưa đủ so với sự cấp bách của nền kinh tế, sự lây lan của dịch bệnh.
Chính quyền cần làm quyết liệt hơn, thậm chí có thể chấp nhận trao nhầm đối tượng bởi trong bối cảnh hiện nay thì thà "hỗ trợ nhầm còn hơn bỏ sót".
Bà Lan chỉ ra một giải pháp để có thể "lọc" đối tượng đó là: "Chỉ cần tuyên bố rõ ràng rằng nếu doanh nghiệp nào không nằm trong diện được hỗ trợ mà cố tình nhận sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật thì chắc chắn sẽ kiểm soát được sự trục lợi".
Vấn đề tiếp theo phát sinh là nguy cơ tắc nghẽn, khó giải ngân như kỳ vọng do các thủ tục đều được thực hiện theo hình thức giấy tờ vốn rườm rà và phức tạp - TS. Cấn Văn Lực nêu ra.
Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được thông tin về gói cứu trợ mới. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã trả lời rằng chưa biết thông tin gì về gói 62.000 tỷ đồng trước kia. Nếu không có bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn thì doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, tiếp cận, từ đó nhanh cũng hóa chậm. Do vậy, rất cần sự minh bạch thông tin với mọi đối tượng thụ hưởng, trong đó có doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu hiện đại, có thông tin hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, có diễn đàn. Thậm chí có thể đăng ký, khai báo và ứng dụng vào nhiều việc khác.
Ngoài ra hai vấn đề phát sinh khác cần các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét.
Các doanh nghiệp đang cần các gói vay vốn, nguồn tiền và giảm nợ
Đầu tiên, là sự cứng nhắc điều kiện vay. Doanh nghiệp chỉ được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khi không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Dường như điều kiện này không khả thi. Một chuyên gia đặt vấn đề: Không nợ xấu mới được vay thì quá khó, liệu tiêu chí này liệu có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được không? Những doanh nghiệp không thể trả nợ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn mỏng. Đây cũng là những đối tượng cần nhận được hỗ trợ nhiều nhất, tuy nhiên vấn đề thủ tục đang là vật cản lớn ảnh hưởng đến tính hiệu quả của gói cứu trợ lần này.
Cũng liên quan đến vấn đề vay vốn, các chuyên cũng nhận định rằng 7.500 tỷ đồng sẽ dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong gói 26.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng chủ yếu mang tính động viên. Con số trên không giải quyết được bài toán về nguồn thu - vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp, tiểu thương trong thời điểm giãn cách, gián đoạn hoạt động.
Hiện tại, khối doanh nghiệp đang cần nhất gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền trợ giúp doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp khi được hỏi cũng đều bày tỏ mong muốn trong thời điểm này là khoanh, giãn nợ cũ từ ngân hàng.
Thực tế đã chứng minh, đây không phải là nhận định không có cơ sở. Tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu biển ở Quảng Ninh đã phải "than" rằng, vì những chính sách thu hồi nợ "không khoan nhượng" từ các tổ chức tín dụng đang dần đẩy họ vào cảnh bần cùng, bởi từ lúc dịch bệnh bùng phát ngành du lịch gần như "đóng băng", không tìm kiếm được nguồn thu.
"Dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên dòng tiền để trả nợ cũ tại thời điểm này chưa đảm bảo, nếu hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ sẽ tác động rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường", một chuyên gia khẳng định với VTC.
Thủ tục nhận ra sao?
Dưới đây là những hướng dẫn của Chính phủ về điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng dành cho khối doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng. Chủ hộ làm giấy đề nghị hỗ trợ, gửi chính quyền cấp xã xác nhận. Danh sách các hộ sẽ được niêm yết công khai, sau đó chuyển lên cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Cần 9 ngày để bốn cơ quan gồm Chi cục Thuế, ủy ban cấp xã, huyện và tỉnh xét duyệt, thẩm định và chi trả tiền.
Doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Hồ sơ gồm giấy đề nghị vay vốn, danh sách lao động ngừng việc, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc.
Doanh nghiệp sau đó gửi hồ sơ để BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng chính sách xã hội để cơ quan này phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo. So với gói 62.000 tỷ, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp.
Trước đó, trong nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu phải triển khai hiệu quả nhất các gói hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc thủ tục để rút ngắn tối đa độ trễ chính sách. Tiền phải đến đối tượng cần hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Quan trọng nhất, tiền hỗ trợ dịch bệnh không được chậm trễ!
H.S (T/h)
Xem thêm: Sắp có gói hỗ trợ khó khăn bởi Covid-19 trị giá 1 tỷ USD với nguyên tắc “có làm mới được hưởng”