Các công ty chứng khoán dự báo ra sao về tăng trưởng tín dụng 2024?

Diên Vỹ 14:51 | 24/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù đưa ra những nhận định khác biệt về tăng trưởng tín dụng năm nay, các CTCK đều thống nhất quan điểm rằng tín dụng sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm, với động lực chính là mặt bằng lãi suất thấp và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Đáng chú ý, nhiều dự báo cho rằng cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới.

 

Góc nhìn thận trọng: Mục tiêu 15% đầy thách thức

Tính đến 14/06/2024, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng  chỉ mới đạt 3,79% so với đầu năm.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 có thể chỉ ở mức 12-13%, thấp hơn mức mục tiêu 15% mà NHNN đưa ra cho cả năm.

Theo VCBS, trong những tháng đầu năm, động lực tăng trưởng chính của tín dụng đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ chưa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. 

Cụ thể, tín dụng bán lẻ tiếp tục đà giảm tốc với tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ mức 44,2% cuối năm 2023 xuống mức 43,5% tại thời điểm kết thúc quý I/2024 khi nhu cầu mua nhà, phục vụ đầu tư - sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều ở mức yếu. Cho vay mua nhà chưa ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan với dư nợ tính đến cuối quý I giảm 0,7% so với đầu năm, tương đương chiếm 12,8% trong tổng dư nợ nền kinh tế. 

 Tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ giảm từ mức 44,2% cuối năm 2023 xuống mức 43,5% tại thời điểm kết thúc quý I/2024. Ảnh: VCBS

 VCBS kỳ vọng cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới khi lãi suất ở mức thấp và thị trường BĐS dần hồi phục từ quý II năm nay nhờ: (1) Nhu cầu mua nhà để ở thực vẫn ở mức cao, (2) Nguồn cung nhà ở có dấu hiệu hồi phục khả quan.

Cho vay mua nhà vốn là động lực tăng trưởng chính của tín dụng bán lẻ trong nhiều năm với tốc độ tăng trưởng cao CAGR 5 năm đạt 26%, tuy nhiên đà tăng trưởng chững lại từ năm 2023 (với mức tăng trưởng chỉ 1,1% svck) do nguồn cung từ các dự án mới thiếu hụt và mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức cao trong năm.

Theo VCBS, Cho vay mua nhà vốn là động lực tăng trưởng chính của tín dụng bán lẻ trong nhiều năm với tốc độ tăng trưởng cao CAGR 5 năm đạt 26%, tuy nhiên đà tăng trưởng chững lại từ năm 2023.  VCBS kỳ vọng cho vay mua nhà sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong thời gian tới. Ảnh: VCBS

Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS và xây dựng của nền kinh tế tính đến cuối tháng 2 ghi nhận tăng 0,16% so với đầu năm, chiếm lần lượt 8,3% và 8,1% tổng dư nợ. Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS - xây dựng cao trên 20% trong danh mục tín dụng hiện nay bao gồm TCB, SHB, HDB, VPB….

Nhóm phân tích dự báo tín dụng BĐS và xây dựng tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới đến từ những động lực: (1) Nguồn cung khả quan hơn trong thời gian tới với các dự án tiếp tục được đẩy nhanh triển khai sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý, đặc biệt sau khi các bộ luật mới về BĐS có hiệu lực; (2) Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp BĐS cũng như nhà đầu tư/người mua nhà. 

Tuy nhiên, dự báo dòng tín dụng vào thị trường BĐS sẽ có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường. Theo đó, tín dụng sẽ tập trung vào phân khúc BĐS nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực và xây dựng hạ tầng giao thông.

VCBS cũng lưu ý rằng một phần tín dụng sẽ được giải ngân cho các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn về tài chính với mục đích tái cấu trúc nợ, đây sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới.

  Ảnh: VCBS 

Trong báo cáo vĩ mô cập nhật tháng 6 qua, Chứng khoán MB (MBS) cũng duy trì dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 13-14%, trong kịch bản tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,1-6,3%.

Theo nhóm phân tích MBS, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Nhóm phân tích dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 70 - 100 điểm cơ bản, quay về mức 5,3%-5,6% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, từ đó hỗ trợ thêm tăng trưởng tín dụng. Dù vậy, dự phóng tăng trưởng tín dụng 13-14% mà MBS đưa ra vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho năm nay mà NHNN đưa ra.

Báo cáo triển vọng ngân hàng mới đây từ FiinGroup cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế năm nay là khó khăn và đầy thách thức

  FiinGroup đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế năm nay là khó khăn và đầy thách thức  Ảnh: FiinGroup

Nhìn lại năm ngoái, FiinGroup chỉ ra rằng  tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong suốt 11 tháng đầu năm trước khi bùng nổ đột ngột khoảng 550.000 tỷ đồng, tương đương 4,2% trong tháng cuối cùng, chủ yếu đến từ các ngành bất động sản và xây dựng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tăng trưởng tín dụng chậm chạp là do sự chậm lại trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành gắn liền với sản xuất xuất khẩu.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% cho năm 2024 để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên FiinGroup cho rằng điều này đầy thách thức khi tăng trưởng tín dụng đạt mức tối thiểu 0,26% trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, nhóm phân tích từ FiinGroup cho rằng sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.

Góc nhìn lạc quan: Tăng trưởng tín dụng có cơ hội đạt mục tiêu 15% nhờ mặt bằng lãi suất thấp và thị trường BĐS phục hồi

Trong phân tích mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có cơ hội đạt mục tiêu 15%. Cụ thể, TPS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 13% - 14%, thậm chí có thể đạt 15%. 

 TPS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 13% - 14%, nhưng nói thêm rằng có cơ hội để tăng trưởng tín dụng đạt 15%.  Ảnh: TPS

Nhóm phân tích nhận định mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm còn thấp so với cùng kỳ các năm về trước phản ánh cầu vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu do lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và thị trường BĐS chưa phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc vào nửa cuối năm, nhờ được thúc đẩy bởi các yếu tố như triển vọng phục hồi của lĩnh vực BĐS, đặc biệt là sau khi luật BĐS mới có hiệu lực vào những tháng tới.

Cùng đó, đơn hàng xuất khẩu mới tăng mạnh trong 2 tháng liên tiếp và nhập khẩu tăng mạnh cho thấy trước sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, đồng thời cầu về vốn kỳ vọng sẽ tăng lên, đặc biệt là sau phong trào giảm lãi suất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, ASEAN trong thời gian tới. Ngoài ra, lĩnh vực tiêu dùng luôn duy trì đà tăng trưởng và sẽ tích cực hơn khi lĩnh vực sản xuất phục hồi, thu nhập người lao động ổn định hơn… cũng sẽ là một yếu tố tích cực cho tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay đang có dấu hiệu nhích tăng gần đây, khi sản xuất và xuất khẩu tiếp tục phục hồi, nhưng nhóm phân tích TPS kỳ vọng lãi suất huy động bình quân tháng sẽ dao động trong khoảng chỉ từ 6% - 7% và lãi suất cho vay bình quân tháng sẽ giao động từ 8% - 9% trong năm nay. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu, TPS đánh giá khả năng lãi suất huy động và cho vay tăng đột biến là rất khó xảy ra, và dự kiến NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.

 Ảnh: TPS

Cũng tỏ ra lạc quan, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành mục tiêu 15% dựa trên những kỳ vọng như mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại để hỗ trợ kinh tế hồi phục, (2) động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa sau 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, (3) thị trường BĐS tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.

Theo đó, KBSV cho rằng thị trường BĐS đang bắt đầu xuất hiện những tín hiệu hồi phục. Thực tế, giải ngân cho DN BĐS đã trở thành động lực tăng trưởng cho một số ngân hàng trong quý I/2024 (TCB, MSB, MBB). Cho vay mua nhà tại các ngân hàng cũng có tín hiệu hồi phục nhẹ trong 2 quý gần đầy nhờ (1) Chính sách ưu đãi từ ngân hàng và chủ đầu tư; (2) mặt bằng lãi suất thấp; (3) Các dự án mở lại trong quý IV/2023 và quý I/2024 tăng thêm nguồn cung cho thị trường. Mặc dù vậy, mức hồi phục trong quý I thấp hơn quý trước do kỳ nghỉ mùa lễ tết. 

“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng tín dụng trong các quý tới khi mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì mức hiện tại, các dự án mới mở bán gối đầu giúp hoạt động thị trường BĐS sôi nổi hơn. Những ngân hàng có lợi thế cho vay mua nhà với chủ đầu tư uy tín, chất lượng các khoản vay tốt sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn”, nhóm phân tích KBSV nhận định.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc từ quý II nhờ sự phục hồi kinh tế, theo đó tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mục tiêu 15%. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để tăng vốn, cho thấy nhu cầu tín dụng có thể gia tăng trong thời gian tới, nhóm phân tích nhận định.