Các 'đại gia' Thái Lan đã thâu tóm ngành bao bì Việt Nam bằng cách nào?
SCG khởi đầu tại Việt Nam với các thương vụ liên doanh, hợp tác đầu tư, nhưng sau đó tăng tốc bằng loạt thương vụ mua cổ phần chi phối, M&A.
SCG Packaging (SCGP), một công ty thành viên của SCG Group (Thái Lan) vừa thông báo đạt thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng.
Động thái này không chỉ nối dài thêm danh sách các thương vụ đầu tư của SCG tại Việt Nam, mà còn gia tăng vị thế của tập đoàn này với mảng bao bì, vốn đã lệch hẳn về phía các doanh nghiệp nước ngoài. Có thêm Nhựa Duy Tân, danh sách các công ty trong mảng bao bì của SCG tăng lên 8, với tổng doanh thu của riêng mảng kinh doanh này đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
SCG Group, gã khổng lồ Thái Lan, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn của Thái Lan cũng nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992.
Sau Bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân
So với các doanh nghiệp từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, các tập đoàn Thái Lan được đánh giá có một số ưu thế hơn do vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa. Đến nay, SCG Group quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Riêng với mảng bao bì, SCG có mặt từ hơn một thập kỷ và tăng tốc trong nửa cuối năm 2020. Cũng tương tự những mảng kinh doanh khác, tập đoàn này khởi đầu bằng các liên doanh nhưng sau đó mở rộng quy mô nhanh hơn bằng các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).
Trước thương vụ với Nhựa Duy Tân, trong tháng 12/2020, một công ty thành viên khác của SCG Group là TCG Solutions, đã tiến những bước cuối cùng để thâu tóm Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI).
SVI tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam. Còn Duy Tân là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường về các sản phẩm bao bì nhựa cứng.
Ngoài SVI và Duy Tân, danh sách các công ty thành viên của SCG trong mảng bao bì còn có Công ty Giấy Kraft Vina - nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (BATICO), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
Quy mô doanh thu của Kraft Vina trong hai năm gần nhất đạt 5.000-6.000 tỷ đồng, cao nhất trong các công ty thành viên của SCG trong mảng bao bì tại Việt Nam.
Hai vị trí tiếp theo là hai thương vụ mới thực hiện, Nhựa Duy Tân và Bao bì Biên Hòa. BATICO, doanh nghiệp được SCG mua 80% cổ phần năm 2015, đạt doanh thu khoảng 1.400-1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2019. Các doanh nghiệp còn lại đạt doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm.
Việc gia tăng ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam thông qua M&A của SCG cũng khiến thị phần ngành bao bì lệch hẳn về phía các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong một báo cáo về ngành bao bì, FPTS cho biết, hầu hết doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn trong ngành này, bao gồm cả bao bì giấy và bao bì màng nhựa đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong đó, những doanh nghiệp đứng đầu về bao bì giấy có thể kể đến như Ojitex, Tohoku (Nhật Bản), YFY, Việt Long (Đài Loan) hay Alcamax, Tân Á (Thái Lan). Với nhóm bao bì mảng nhựa, những cái tên chiếm thị phần đứng đầu như Bao bì Tân Tiến - Tapack (Hàn Quốc), Bitico (Thái Lan), J.S Packaging (Hàn Quốc), Huhtamaki (Phần Lan), Nga Mee (Đài Loan) hay Tong Yuan (Đài Loan).
Theo VnExpress