Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm pháo hoa từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề

19:26 | 28/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Nghị định 137 quy định, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa nên câu hỏi là ngoài Z121, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề.

Nghị định 37 mới sửa đổi cho phép người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật

 
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm pháo hoa từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề - ảnh 1
Từ 11/1/2021 người dân được bắn pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa. Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp này phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường và đảm bảo về điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy.

Do đó, khi đảm bảo đủ các điều kiện nêu trên, các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện thủ tục cấp giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh.

Hồ sơ đề nghị lập thành 01 bộ, nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chỉnh về trật tự xã hội, Bộ Công an; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cấp giấy phép mua theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tại Việt Nam hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị duy nhất được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa nổ, pháo hoa phục vụ cho các trường hợp được phép bắn pháo hoa nổ.

Hiện nay, Công ty đã trở thành doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp thuốc nổ, phụ kiện nổ phục vụ ngành công nghiệp khai thác và xây dựng; đồng thời cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất pháo hoa, hỏa thuật phục vụ các dịp lễ hội trên cả nước và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào…
 
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm pháo hoa từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề - ảnh 2
Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện thủ tục cấp giấy phép mua pháo hoa để kinh doanh

Nhìn lại quyết định lịch sử về cấm pháo từ năm 1994


Hơn 26 năm trước, ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đây là chỉ thị mang tính lịch sử bởi thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt Nam.

Theo Chỉ thị số 406-TTg, kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).

Chỉ thị nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời chỉ cấp giấy phép sản xuất, buôn bán các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự, quy định tại Nghị định số 17-CP ngày 23/12/1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt, và những quy tắc về phòng cháy, nổ theo quy định của Bộ Nội vụ.

Sau ngày 1/1/1995, những tổ chức, cá nhân không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề đều phải ngừng hoạt động.

Chỉ thị cũng nghiêm cấm dùng các loại thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn để sản xuất pháo hoa. Các bộ, ngành có đơn vị được phép dùng thuốc nổ để sử dụng trong chiến đấu và sản xuất phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để thất thoát hoặc thanh lý không đúng quy định của nhà nước. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những dạ hội vui chơi du lịch, những dịp tổ chức khánh thành công trình, tổ chức lễ hội, hiếu hỉ, nếu đốt pháo hoa phải bảo đảm an toàn.

Chỉ thị cũng đưa ra các biện pháp xử phạt đối với tổ chức và cá nhân vi phạm như ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu huỷ pháo và thuốc pháo tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất pháo trái phép; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán pháo, thuốc pháo trái phép; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu pháo; phạt tiền từ 500.000 đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định vận chuyển pháo.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu thêm pháo hoa từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề - ảnh 3
Ngành công nghiệp sản xuất pháo hoa tỷ đô của thế giới được hưởng lợi nếu Việt Nam phải nhập khẩu thêm pháo hoa

Ngoài ra, các vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính.

Hàng nghìn nạn nhân tai nạn liên quan đến pháo mỗi năm chính là lý do Chính phủ buộc phải ra một lệnh cấm vào năm 1994 mà giai đoạn đầu không phải người dân nào cũng ủng hộ.

Cùng với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia mới có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định cấm đốt pháo năm 1994 được xem là 3 văn bản luật định mang tính “cách mạng” nhân văn, cứu người.

Ngành công nghiệp sản xuất pháo hoa tỷ đô của thế giới được hưởng lợi nếu Việt Nam phải nhập khẩu thêm pháo hoa


Tuy nhiên, vì nghị định 137 quy định là "tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép kinh doanh pháo hoa" nên có thể hiểu là ngoài Z121, các doanh nghiệp quân đội khác cũng có thể nhập khẩu về để bán lại cho người dân. Câu hỏi là các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu từ đâu khi Tết Tân Sửu đang cận kề.

Một thống kê được đưa ra hồi đầu năm nay là giá trị xuất khẩu pháo hoa trên toàn thế giới đã đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó châu Á xuất khẩu pháo hoa chiếm tới 84,6%, tiếp theo là châu Âu (13,2%).

Nước xuất khẩu pháo hoa đứng đầu thế giới là Trung Quốc (866,3 triệu USD, chiếm 84,2% lượng pháo hoa xuất khẩu toàn cầu). Nước đứng thứ 2 là Hà Lan (52,3 triệu USD doanh thu xuất khẩu pháo hoa).

Trong top 10 nước, ngoài Mỹ và Brazil, các vị trí còn lại đều thuộc về châu Âu (Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Séc: 10 triệu USD; Italia và Thụy Sĩ).
 
Trung Quốc là nước sản xuất pháo hoa nhiều nhất thế giới. Nguồn: VnExpress
 
Hải Yến