Các ngân hàng vượt qua kiểm tra mức độ chịu đựng của FED sẵn sàng mua lại cổ phiếu và trả cổ tức
Những nhà đầu tư sẽ phải đợi cho đến sau khi kết thúc phiên giao dịch vào ngày 28/6 để xem các ngân hàng sẽ chuyển giao bao nhiêu tiền mặt.
Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã phải trải qua 3 cuộc kiểm tra mức độ chịu đựng trong năm qua: các bài kiểm tra theo lịch trình cho năm 2020 và 2021, và một cuộc kiểm tra bổ sung giữa chu kỳ do đại dịch.
Trong mỗi trường hợp, các ngân hàng đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc chống chọi với một cuộc khủng hoảng lý thuyết trong khi đã "sống sót" qua cuộc khủng hoảng thật do đại dịch COVID-19 gây ra.
Randal Quarles, phó chủ tịch giám sát của FED, cho biết trong một tuyên bố: "Trong năm qua, FED đã thực hiện 3 cuộc kiểm qua mức độ chịu đựng với một số cuộc suy thoái giả định khác nhau. Và tất cả đều xác nhận rằng hệ thống ngân hàng được định vị mạnh mẽ để hỗ trợ sự phục hồi đang diễn ra".
Toàn bộ 23 ngân hàng lớn đều vượt qua bài kiểm tra mức độ chịu đựng của FED trong năm nay. Ảnh: Reuters.
Khi xuất hiện thông tin này, cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhiều giờ sau đó. SPDR S&P Bank ETF (KBE) tăng 1%. Cổ phiếu của Capital One Financial (COF) tăng 1,5%, trong khi Wells Fargo (WFC) tăng 1,1% và Morgan Stanley (MS) giảm nhẹ.
Vượt qua vòng kiểm tra này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ có thể hoàn vốn cho cổ đông mà không bị hạn chế.
Năm ngoái, trong nỗ lực buộc các ngân hàng tiết kiệm vốn và phục vụ khách hàng của họ trong thời kỳ đại dịch, FED đã hạn chế các khoản thanh toán của các ngân hàng cho các cổ đông. Việc mua lại (cổ phiếu) lúc đầu đã hoàn toàn bị dừng lại, mặc dù các hạn chế sau đó đã được nới lỏng và cổ tức được giới hạn ở mức tương đương với lợi nhuận trong 4 quý trước đó.
Nếu các hạn chế không được đưa ra, nhiều ngân hàng lớn hơn sẽ có thể duy trì mức thanh toán trước đó bất kể đại dịch, nhờ vào sự gia tăng lợi nhuận trong hoạt động giao dịch và thực hiện giao dịch.
Theo kịch bản giả định của năm nay, các ngân hàng đã được thử nghiệm với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, nơi tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh điểm là 10,75%, với tổng sản phẩm quốc nội giảm 4% và giá cổ phiếu giảm 55%.
Với kịch bản này, 23 ngân hàng bị kiểm tra này sẽ mất 470 tỷ USD, tỷ lệ vốn của họ sẽ giảm xuống 10,6%. Mức này vẫn gấp đôi mức yêu cầu tối thiểu của FED.
FED cho biết họ dự kiến các ngân hàng sẽ đợi đến sau 4:30PM ngày 28/2 (khoảng 3h sáng ngày 29/6 theo giờ Hà Nội), để bắt đầu đưa ra kế hoạch mua lại và trả cổ tức: “Điều này sẽ cung cấp cho tất cả các tổ chức đủ thời gian để kiểm tra và hiểu kết quả của họ". Dự kiến, sẽ có hàng chục tỷ USD được trả cho các cổ đông.
Gerard Cassidy, nhà phân tích tại RBC Capital Markets, đã viết trong một lưu ý trước khi có kết quả kiểm tra mức độ chịu đựng: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một số ngân hàng đăng tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông cấp 1 có ý nghĩa, cao hơn mức tối thiểu theo quy định, cho phép họ công bố mức tăng cổ tức đáng kể, đặc biệt là do việc tăng cổ tức bị cấm vào năm 2020. Các thông báo mua lại cổ phiếu cũng phải mạnh mẽ như nhau”.
Các ngân hàng Mỹ sẽ có thể tăng các khoản thanh toán của họ vào sau ngày 30 tháng 6.
Tiệp Nguyễn