Các ông lớn công nghệ Trung Quốc tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực xe năng lượng mới
Khi ngành công nghiệp ô tô phát triển, các công ty công nghệ cũng tham gia nhiều hơn
Khi các công ty công nghệ Trung Quốc đổ xô tham gia vào lĩnh vực xe điện thông minh, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc dự kiến sẽ trải qua sự chuyển đổi leo thang không chỉ trong sản xuất mà còn cả trong khâu tiếp thị.
Kể từ đầu năm 2021, một loạt các tên tuổi công nghệ lớn của Trung Quốc như Baidu, Xiaomi, Huawei và Oppo đã tuyên bố xâm nhập vào ngành công nghiệp ô tô ở các cấp độ khác nhau.
Vào tháng Giêng năm nay, công ty Baidu đã thông báo thành lập một công ty ô tô thông minh, chính thức tham gia vào ngành công nghiệp này với tư cách là một nhà sản xuất xe hoàn chỉnh.
Vào cuối tháng 3, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi cho biết họ sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong 10 năm tới để phát triển xe điện thông minh. Cụ thể, ngày 30/3, Xiaomi đã gửi một thông báo chính thức cho Hong Kong Exchanges and Clearing Limited rằng ban giám đốc của họ đã thông qua một dự án đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện thông minh.
Khách tham quan xem thử một chiếc Seres Huawei Smart Selection SF5 tại cửa hàng hàng đầu của Huawei ở Thượng Hải vào ngày 3 tháng 5. Mẫu máy này có thể chạy tới 1.000 km trong một lần sạc và có công suất tối đa là 405 kilowatt.
Một nhà sản xuất điện thoại thông minh khác được cho là đang chuẩn bị tham gia vào lĩnh vực xe năng lượng mới chính là Oppo. Có thông tin cho rằng Chen Ming-yong, người sáng lập và CEO của Oppo, đang khám phá các nguồn lực và chuyên gia trong chuỗi công nghiệp xe điện, ông đã gặp gỡ với Zhu Wei, chủ tịch bộ phận kinh doanh xe khách tại CATL, nhà sản xuất pin năng lượng lớn nhất Trung Quốc.
Oppo hiện sở hữu hơn 3.000 bằng sáng chế trong lĩnh vực phương tiện kết nối internet, bao gồm hệ thống định vị xe, thiết bị đo khoảng cách và thiết bị điện tử.
Vào ngày khai mạc triển lãm ô tô Thượng Hải 2021, được tổ chức từ ngày 19 - 28/4 vừa qua, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, cùng với công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Seres, đã ra mắt một mẫu xe mới - Seres Huawei Smart Selection SF5, có thể mua trực tuyến từ Trung tâm mua sắm của Huawei.
Xe được trang bị hệ thống truyền động điện 3 trong 1 DriveONE của Huawei, hệ thống kết nối thông minh Huawei HiCar và trải nghiệm âm nhạc chất lượng cao Huawei Sound. Theo công ty công nghệ, mẫu xe mới có thể chạy tới 1.000 km trong một lần sạc, có công suất tối đa 405 kilowatt và mô-men xoắn cực đại 820 Newton mét, có khả năng tăng tốc từ 0-100 km một giờ trong 4,68 giây.
Hợp tác với các công ty ô tô là bước đầu tiên của Huawei, bước thứ hai là ra mắt thương hiệu ô tô của riêng mình và bước thứ ba là tự chế tạo ô tô, Zhang Shulin, cựu phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết.
Đối với các doanh nghiệp, giá trị thương mại cao là lý do quan trọng khiến họ lạc quan vào lĩnh vực xe điện thông minh.
"Xe điện thông minh có không gian phát triển rộng rãi trong thập kỷ tới và là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái thông minh. Đây cũng là một cách cần thiết để Xiaomi tiếp tục đáp ứng nhu cầu của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn với sự trợ giúp của khoa học và công nghệ", Lei Jun, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Xiaomi cho biết.
Thống kê cho thấy đến năm 2020, sản xuất và bán xe năng lượng mới của Trung Quốc đã đứng đầu thế giới trong sáu năm liên tiếp, với tổng sản lượng bán ra vượt 5,5 triệu chiếc. CAAM dự đoán rằng doanh số bán hàng NEV ở Trung Quốc sẽ vượt qua 1,8 triệu chiếc trong năm nay.
Trong một kế hoạch chi tiết của chính phủ Trung Quốc, người ta ước tính rằng các phương tiện năng lượng mới sẽ chiếm ít nhất 20% tổng doanh số bán ô tô mới của nước này vào năm 2025.
Tuy nhiên, có một loạt thách thức cần vượt qua trong việc phát triển xe điện thông minh, bao gồm yêu cầu đầu tư rất lớn, thời gian sản xuất dài và yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Ví dụ, chi phí nghiên cứu và phát triển của công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Nio vào năm 2020 là 2,49 tỷ nhân dân tệ (385,46 triệu USD) và chi phí bán hàng và quản lý là 3,93 tỷ nhân dân tệ.
Được thành lập vào năm 2014, Nio đã giao chiếc xe đầu tiên - ES8 - vào năm 2018. Xpeng, một công ty khởi nghiệp xe năng lượng mới khác của Trung Quốc, đã mất ba năm mới có thể sản xuất hàng loạt và giao mẫu G3 đầu tiên.
Ngoài ra, ngành này còn phải đối mặt với những thách thức như khả năng đổi mới của các công nghệ cốt lõi còn yếu, cơ sở hạ tầng chưa xây dựng đủ và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.
Nhưng các công ty công nghệ của Trung Quốc rất tự tin và cho biết, họ tự nhận thấy mình có "lợi thế sẵn có" trong việc phát triển xe điện thông minh.
Baidu có một chuỗi công nghệ và hệ sinh thái phần mềm hoàn chỉnh, có thể tận dụng tốt hơn những lợi thế về công nghệ và phần mềm của mình, theo công ty.
Xiaomi có kinh nghiệm phong phú trong việc tích hợp phần cứng và phần mềm, một số lượng lớn các công nghệ tiên tiến, hệ sinh thái thông minh đang hoạt động và phát triển, cũng như dự trữ tiền mặt đủ, dự kiến sẽ hỗ trợ công ty trong việc phát triển phương tiện, Lei nói.
Thực tế, khi nhiều công ty công nghệ tham gia vào lĩnh vực xe điện, cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt, thúc đẩy sự chuyển đổi của các nhà sản xuất ô tô truyền thống, những người trong cuộc cho biết.
Zu Sijie, phó chủ tịch kiêm kỹ sư trưởng của SAIC Motor cho biết: "Việc chuyển đổi từ một nhà sản xuất ô tô truyền thống sang (một công ty sản xuất) các phương tiện sử dụng phần mềm là một thách thức rõ ràng. Các kỹ năng cơ bản và quy mô sản xuất chế tạo ô tô là lợi thế của các công ty sản xuất ô tô truyền thống, trong khi chú trọng hơn đến trải nghiệm người dùng là điểm vượt trội của các công ty công nghệ và internet".
Xem thêm: Hãng pin xe điện vô danh có nhiều tỷ phú USD hơn cả Google, Facebook
Tùy Ý