Vì sao Mitsubishi quyết định chia tay thị trường Trung Quốc?

Mitsubishi thông báo rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc - Ảnh: Mitsubishi
Mitsubishi đặt chân vào Trung Quốc từ năm 1973 với những lô xe tải hạng trung đầu tiên. Đến đầu những năm 2000, các liên doanh động cơ của hãng cung cấp hệ thống truyền động cho khoảng 30% xe được sản xuất trong nước.
Đặc biệt, năm 2012, liên doanh GAC Mitsubishi được thành lập với tỷ lệ góp vốn 50:30:20 giữa Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC), Mitsubishi Motors và Mitsubishi Corporation. Thành công ban đầu đến nhanh chóng: năm 2018, liên doanh đạt doanh số kỷ lục 144.000 xe, trong đó mẫu SUV Outlander đóng góp tới 105.600 xe.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, mọi thứ thay đổi theo chiều đảo ngược. Đến năm 2022, doanh số tụt xuống còn 33.600 xe, giảm gần 80% chỉ sau 4 năm. Tình hình tài chính cũng xấu đi nghiêm trọng. Đến 31/3/2023, GAC Mitsubishi báo cáo tổng tài sản 4,198 tỷ nhân dân tệ (582 triệu USD), nhưng nợ phải trả lên tới 5,613 tỷ nhân dân tệ (778 triệu USD), khiến giá trị tài sản ròng âm 1,414 tỷ nhân dân tệ (196 triệu USD).
Liên doanh Shenyang Aerospace Mitsubishi được thành lập vào tháng 8/1997, là nền tảng trong chiến lược của Mitsubishi tại Trung Quốc, sản xuất động cơ cho cả xe mang thương hiệu Mitsubishi và nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Liên doanh này, bắt đầu hoạt động vào năm 1998, đã cung cấp các linh kiện hệ thống truyền động quan trọng để hỗ trợ các dây chuyền lắp ráp tại địa phương của Mitsubishi và các nhà sản xuất bên thứ ba.
Tháng 10/2023, Mitsubishi công bố kế hoạch dừng sản xuất tại Trung Quốc và bắt đầu quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, đến tháng 7/2025, hãng rút hoàn toàn khỏi liên doanh Shenyang Aerospace Mitsubishi, đánh dấu sự kết thúc hiện diện của Mitsubishi tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố, Mitsubishi Motors cho rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc là lý do chính cho động thái rút lui. Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ đánh giá lại chiến lược cũng như các ưu tiên khu vực.
Mitsubishi rút khỏi Trung Quốc là hồi chuông báo động về tốc độ đào thải khốc liệt mà các nhà sản xuất truyền thống đang đối mặt giữa cơn địa chấn mang tên xe điện; cho thấy ngành công nghiệp ô tô đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, nơi các chuẩn mực cũ đang bị thay thế bởi tốc độ, công nghệ và trải nghiệm người dùng.

BYD của Trung Quốc đang giữ vị trí số 1 toàn cầu về xe điện - Ảnh: Reuters
Trường hợp của Mitsubishi không đơn độc. Các liên doanh khác như GAC-FCA (Fiat Chrysler) cũng đã sụp đổ. Và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều chứng kiến doanh số lao dốc tại Trung Quốc.
Ông Stephen Dyer - Giám đốc mảng ô tô châu Á của AlixPartners nhận định: “Thị trường ô tô Trung Quốc đã trở thành chiến trường cho sự đổi mới xe điện, nơi các nhà sản xuất truyền thống chật vật cạnh tranh.”
Theo HSBC, doanh số ô tô điện tại Trung Quốc đạt 12 triệu chiếc trong năm 2024, tăng khoảng 20% so với 2023. Đáng chú ý, tháng 8/2024, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên bán hơn 1 triệu ô tô điện trong một tháng. Dự kiến năm 2025, số xe điện bán ra sẽ lần đầu vượt xe động cơ đốt trong.
Các thương hiệu nội địa không còn đơn thuần là xe rẻ mà đang dẫn đầu về công nghệ, thiết kế và trải nghiệm người dùng. Theo báo cáo của AlixPartners, Trung Quốc hiện có tới 129 thương hiệu EV, do khoảng 50 nhà sản xuất vận hành. Không chỉ về mặt công nghệ, xe điện nội địa còn được hưởng hệ sinh thái mạnh với trạm sạc dày đặc, chính sách ưu đãi thuế, tín dụng xanh và thị trường nội địa khổng lồ với người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận cái mới.
Tuy vậy, dù có thể sản xuất tới 20 triệu EV mỗi năm nhưng hiện chỉ khoảng một nửa công suất được sử dụng, điều này phần nào cho thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt tại thị trường này.