Các sàn thương mại điện tử chịu trách nhiệm gì khi để xuất hiện hàng giả, hàng nhái?

Trang Mai 15:38 | 20/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn đặc biệt tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Việc này đã dấy lên vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm khi được bán trên sàn, đồng thời đặt ra bài toán về vai trò của các sàn trong việc quản lý người bán hàng.

Mua túi Chanel, Dior,... chỉ từ 100.000 đồng

Tìm hiểu trên website, các sàn TMĐT đều có cho mình bộ quy tắc khá hoàn thiện và nghiêm ngặt. Ví dụ như tại Shopee, trong ngành hàng mỹ phẩm thì không được đăng bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (ví dụ như sản phẩm handmade, kem trộn,…); Hình ảnh sản phẩm phải rõ ràng (nhãn mác, bao bì, thương hiệu), thông tin mô tả sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, tình trạng sản phẩm và hạn sử dụng, hay phải có những hình ảnh thật của mặt hàng thời trang để khách hàng dễ lựa chọn. Nhưng trên thực tế, không khó để bắt gặp hàng loạt sản phẩm của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Gucci, Dior, Chanel,... được đăng bán và dễ dàng tìm kiếm với mức giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

 Dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm nhái thương hiệu lớn trên sàn TMĐT. Ảnh: Mai Trang

Hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vô cùng phong phú và đa dạng, từ những đồ vật có giá trị nhỏ như dao cạo râu, dầu gội đầu, quần áo,... đến các sản phẩm gia dụng như máy lọc không khí, điều hoà, hay sản phẩm được bán với quy trình nghiêm ngặt như pháo hoa. Tất cả đều được bán tràn lan và công khai trên TMĐT. 

Chia sẻ tại hội thảo “Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, thực trạng và giải pháp” tổ chức ngày 14/6 mới đây, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã nêu rõ thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông cũng cho biết, trước những khó khăn và thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng phát triển ngày một lan rộng trên thế giới và trong nước. Những mặt hàng này được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu thách thức đối với các cơ quan chức năng.

Khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên Doanh nhân Việt Nam, chị N.A, người quản lý gian hàng cho Alpha Books trên Shopee cho biết: “Hiện nay, việc có rất nhiều hàng giả, hàng nhái trên sàn được coi là một vấn nạn mà bất cứ ngành hàng nào đều đang gặp phải và chưa có một giải pháp nào triệt để có thể ngăn chặn tình trạng này, đối với ngành sách nói riêng và tất cả ngành hàng khác nói chung. Từ phía Shopee và Seller (người bán hàng - PV) đã có những biện pháp xử lý tuy nhiên sản phẩm/shop lậu bị khóa rồi lại tiếp tục mọc lên. 

Điều này không chỉ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhãn hàng mà còn khiến trải nghiệm của khách hàng trở nên xấu đi bởi chất lượng cuốn sách không tốt (thiết kế nhái, mực lem, giấy mỏng…)”.

Chia sẻ thêm về một vài nguyên nhân chính cho vấn đề này, chị N.A. cho biết do tình hình làm giả các giấy tờ, chữ ký của bên bán sách lậu rất tinh vi và rất biết lách các quy định của Shopee để đăng bán các sản phẩm. Đồng thời sàn vẫn chưa có những quy trình duyệt chặt chẽ, vô hình chung giúp cho người bán sách lậu lách quy định.

Trách nhiệm của sàn TMĐT ra sao trong việc quản lý chất lượng hàng hoá? 

Chuyên gia kinh tế, PGS TS Nguyễn Thường Lạng nhận định: “Với các sàn thương mại điện tử, vì chưa có quy định cụ thể nên chỉ xem đó là trách nhiệm liên đới chứ không thể xem là công cụ tiếp tay cho hàng giả và hàng nhái. Do đó cần có quy định chi tiết, gắn với trách nhiệm cụ thể để quản lý chất lượng hàng hoá, bảo vệ cả người bán hàng và mua hàng”. 

Là người trực tiếp bán hàng và đấu tranh với các bên bán sách lậu, chị N.A. cho biết phía người bán cùng với Shopee đã và đang có những hoạt động mạnh tay trong việc tố cáo và diệt sách lậu như cung cấp giấy tờ thông tin gốc để đối chiếu các giấy tờ thông tin giả, tổ chức cuộc họp với Shopee phân tích gỡ rối các vấn đề… Tuy nhiên, sàn cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp bán hàng giả, chẳng hạn như việc cảnh cáo hoặc khoá vĩnh viễn tài khoản. 

Trước vấn nạn hàng giả trên TMĐT, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phan Mạnh Hà, đại diện sàn Shopee cho biết, thời gian qua, Shopee bảo vệ người mua - bán bằng cách giữ số tiền giao dịch cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 7 ngày (đối với Shop Mall) hoặc 3 ngày (đối với Shop không thuộc Mall) kể từ khi nhận được hàng, hoặc người mua đã nhận “Đã nhận được hàng” (đối với Shop không phải là Shopee Mall), hoặc khi người mua đã gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền và Shopee đã xử lý xong... Bên cạnh các giải pháp trên, Shopee cũng triển khai cơ chế tố cáo/báo cáo vi phạm và xử lý tố cáo.

Tương tự, bà Vũ Thị Minh Tú, đại diện sàn Lazada cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn.

Thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng, chống hàng giả, Lazada đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và các thương hiệu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng” - bà Tú thông tin.

“Sinh sau đẻ muộn”, nhưng TikTokShop đang tỏ ra có ưu thế khi chiến lược kinh doanh đánh vào tâm lý và cảm xúc mua hàng của khách hàng, khiến tỷ lệ mua sắm cũng tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, nền tảng này hiện cũng quản lý khá chặt chẽ đầu vào của sản phẩm. 

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách của TikTok Việt Nam chia sẻ với phóng viên: “Thực ra các nền tảng, đặc biệt như trên TikTokShop thì chúng tôi không chấp nhận những hoạt động thương mại vi phạm pháp luật. Liên quan đến các chính sách để bảo vệ người tiêu dùng thì mỗi doanh nghiệp, mỗi mặt hàng, khi được niêm yết trên nền tảng đều phải có các quy trình chặt chẽ để bảo đảm những hàng hóa đấy là được phép giao dịch theo đúng quy định pháp luật. 

Ông Nguyễn Lâm Thanh (người cầm mic), Giám đốc Chính sách của TikTok Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Điểm thứ hai, chúng tôi cũng có những bộ quy tắc để bảo đảm những bạn sáng tạo nội dung thể hiện nội dung ở trên nền tảng mô tả đúng các sản phẩm và tuân thủ pháp luật. Với người tiêu dùng, chúng tôi tạo cơ hội cho họ và họ có thể khiếu nại rất dễ dàng. Tất cả sẽ được xử lý trong vòng 72 giờ với những khiếu nại hợp lý, tức là người mua chứng minh được là họ nhận một sản phẩm không phải chỉ là hàng nhái, hàng giả, thậm chí là nó không đúng như các mô tả của người bán thì nền tảng sẽ đứng ra để bồi hoàn cho người tiêu dùng từ 100%, thậm chí 200% giá trị. Sau đó nền tảng sẽ làm việc với những người bán, các bên liên quan theo những thỏa thuận mà các bên đã ký. 

Một giao quyền nữa là người tiêu dùng cũng có thể báo cáo việc xâm phạm về sở hữu trí tuệ và thậm chí với một số nhãn hàng lớn. Thậm chí, những nhãn hàng lớn, nhà bán có quyền sở hữu trí tuệ rõ ràng thì chúng tôi cũng có thể giao quyền cho họ thông qua một bộ công cụ, để từ đấy họ có thể kiểm soát các hoạt động, những hàng hóa mà vi phạm sở hữu trí tuệ của họ ở trên nền tảng”.

Về vấn đề pháp lý phòng chống hàng nhái, hàng giả trên sàn thương mại điện tử, Luật sư Đỗ Thị Hằng, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội có ý kiến như sau:

  1. Xử lý kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử:

Căn cứ vào Điều 320 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại bao gồm:

  • Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu.

  • Buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả hoặc nguyên liệu, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng giả, kinh doanh trái phép.

Căn cứ vào Điều 321 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại bao gồm:

  • Xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

  • Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

  • Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

  1. Quy định về hàng hoá được phép kinh doanh trên sàn thương mại điện tử:

Căn cứ vào Điều 3 Khoản 11 của Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/08/2021, hoạt động thương mại điện tử được định nghĩa là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Căn cứ vào Điều 320 của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, hàng hóa được phép kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần đảm bảo không vi phạm các quy định sau:

  • Vi phạm quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh.

  • Vi phạm các quy định liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu.

  • Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu.

  • Vi phạm quy định về xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, hàng hóa được phép kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chất lượng, xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác liên quan đến hoạt động thương mại.