Các tỷ phú Nga đang giấu tài sản ở đâu?
Suốt hàng thập kỷ qua, tầng lớp tinh hoa của Nga đã từ từ cất giấu tài sản bên ngoài lãnh thổ nước này. Theo viện chính sách Atlantic Council, Tổng thống Vladimir Putin và những cộng sự thân thiết có thể đang kiểm soát khoảng 1/4 trong 1000 tỷ USD tài sản mà Nga giữ ở nước ngoài.
Xuất phát từ cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, chính phủ phương Tây hiện đang cố gắng trừng phạt các nhà tài phiệt Nga. Bộ Tư pháp Mỹ thậm chí đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture để đào sâu vào khối tài sản của các ông trùm này.
Tuy nhiên, việc áp dụng các lệnh cấm vận lên những người giàu có bậc nhất đất nước Liên Xô cũ dường như khá khó khăn do bản chất mờ ám của các khoản đầu tư, theo Quartz.
Các tỷ phú đang cất giấu tài sản như thế nào?
Theo báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) vào năm 2017 về các thiên đường thuế, ước tính có tới 60% tài sản của Nga tồn tại ở nước ngoài.
Trên thực tế, những công dân giàu nhất nước Nga thường lưu trữ các khoản đầu tư của họ ở nước ngoài, thông qua bất động sản, công ty ma và công ty có cấu trúc phức tạp nhằm che giấu tên của người chủ sở hữu.
Ông Josh Kirshenbaum - thành viên tại Quỹ Marshall của Đức, cho hay mặc dù biết rõ ràng rằng một tỷ phú Nga đang sử dụng dinh thự hoặc du thuyền nào đó ở nước ngoài, nhưng “để chứng minh thực sự rằng họ đang sở hữu những tài sản đó thì khó hơn”.
Ví dụ, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2016 đã tiết lộ rằng một cựu phó thủ tướng Nga và vợ đã sử dụng một chiếc phi cơ trị giá 37 triệu bảng Anh, mặc dù trên giấy tờ tài sản tổng hợp của cặp vợ chồng chỉ khoảng 634.000 bảng Anh.
Chiếc máy bay phản lực không được liệt kê dưới tên của cặp vợ chồng, mà thông qua một công ty ở Bermuda (lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh).
Ông Scott Greytak, Giám đốc vận động cho Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đã giải thích cách một nhà tài phiệt có thể sở hữu tài sản thông qua một công ty ma. Nếu một cựu quan chức Nga đang tìm cách biển thủ tiền và chuyển nó ra nước ngoài, "họ sẽ không mua bất động sản nhà ở hoặc thương mại dưới tên thật của mình".
Những doanh nghiệp ma thường giúp giới tài phiệt Nga tích trữ tài sản ở những nơi như Anh, nơi ước tính có khoảng 87.000 bất động sản thuộc quyền sở hữu ẩn danh.
Đảo Síp (Cyprus) và Latvia là các thiên đường thuế truyền thống của giới tài phiệt Nga. Nhưng theo khảo sát được thực hiện bởi Ernst & Young và nhà môi giới bất động sản quốc tế Tranio vào năm 2019, ngày càng nhiều người Nga cố gắng chuyển tiền và tài sản ra khỏi Đảo Síp và Latvia.
Trong những năm gần đây, Đảo Síp đã đưa ra các quy tắc tài chính nghiêm ngặt hơn, trong khi đó Latvia đã bị rung chuyển bởi nhiều vụ bê bối rửa tiền khiến việc giám sát trở nên chặt chẽ hơn.
Theo nghiên cứu, các nước theo thứ tự là Thụy Sĩ, Anh, Đảo Síp, Luxemburg và Mỹ là những nơi mà giới giàu có của Nga lựa chọn để mở tài khoản ngân hàng.
Các tài sản phổ biến nhất mà người Nga đầu tư ra nước ngoài là trái phiếu, bất động sản, doanh nghiệp, cổ phiếu và tài sản thượng lưu như du thuyền và đồ cổ.
Phương Tây có thể truy lùng tài sản của các tài phiệt không?
Trong những ngày gần đây, các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Anh và Pháp, đều đã công bố kế hoạch rà soát tài sản của Nga. Đức thậm chí còn thu giữ du thuyền của tỷ phú Alisher Usmanov vào ngày 2/3.
Một cựu cố vấn của Điện Kremlin lập luận rằng động thái hiệu quả hơn có lẽ là nhắm vào tầng lớp chính trị của Nga, vì những người này mới thực sự “soạn thảo, thúc đẩy và thực hiện các quyết định của Tổng thống Putin”.