Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt mới xuống đầu Nga
Hôm 24/2, sau khi xe tăng, máy bay và binh lính Nga tiến đánh Ukraine, từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu trước toàn quốc và hứa sẽ khiến "nền kinh tế Nga trả giá đắt" bằng cách ngăn doanh nghiệp nước này giao dịch bằng các đồng ngoại tệ.
"Hôm nay, tôi cho phép bổ sung các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính Nga và đưa ra một số hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Nga. Nền kinh tế của ông Putin sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề ngay lập tức cũng như theo thời gian", ông Biden tuyên bố.
"Đây là thời khắc nguy hiểm đối với toàn châu Âu", ông Biden tiếp tục. Vị tổng thống của Đảng Dân chủ cảnh báo "vài tuần cũng như vài tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn đối với người dân Ukraine".
Đồng thời, Washington còn trừng phạt đông đảo những người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin cũng như gia đình họ. Ở tuyên bố khác, Bộ Tài chính khẳng định các lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm mục tiêu tới "gần 80% tất cả tài sản ngân hàng ở Nga".
"Quy mô của các biện pháp trừng phạt mới vượt xa bất cứ hạn chế nào mà Mỹ từng ban hành. Hai phần ba thế giới đã tham gia cùng chúng tôi, tóm lại các lệnh trừng phạt này rất sâu rộng", ông Biden nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bidennói Mỹ cũng sẽ hạn chế thương mại công nghệ cao với Nga nhằm hạn chế doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung chất bán dẫn cần để sản xuất trí tuệ nhân tạo (AI), hàng không vũ trụ và phần cứng quốc phòng. Anh và Canada đều đã đưa ra tuyên bố kiểm soát xuất khẩu sang Nga trong ngày 24/2.
Ông Biden còn thông tin thêm rằng các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Nga cũng sẽ bị chặn huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, theo Bloomberg.
"Do quyết định khơi mào chiến tranh của ông Putin, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với áp lực dữ dội ngay tức thì và chịu hậu quả nặng nề khi bị cô lập khỏi hệ thống tài chính, thương mại và công nghệ toàn cầu", Nhà Trắng cho hay trong tuyên bố sau bài phát biểu của ông Biden.
Dù vậy, ông Biden thông báo Nga sẽ không bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT vì châu Âu phản đối động thái này. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng có thể khiến các nhà lập pháp trong Quốc hội tức giận.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới có tác động tương tự và cũng hạn chế khả năng giao dịch bằng đồng USD, euro và bảng Anh của Nga, Tổng thống Biden nhấn mạnh với công chúng.
Cùng ngày, Anh đã bố loạt lệnh trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Nga. Theo đó, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ nhắm vào một loạt ngân hàng, tỷ phú và hãng hàng không quốc gia Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.
Chưa dừng lại, chính phủ Anh còn trừng phạt thêm Belarus, một nước đồng minh của Nga và từng cho phép hàng chục nghìn binh lính Nga đồn trú trước khi khai chiến với Ukraine.
Trước đó, chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đã áp vòng trừng phạt đầu tiên nhắm vào một số ngân hàng, nợ chính phủ và giới tinh hoa Nga sau khi ông Putin công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.
Chia sẻ trước công chúng, ông Biden khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây là công cụ lâu dài để gây sức ép với ông Putin và chưa bao giờ được dùng để ngăn chặn một cuộc tấn công. Trừng phạt cần thêm "thời gian" để phát huy tác dụng, Tổng thống Mỹ lưu ý.