Kinh tế Nga đứng trước loạt rủi ro, người dân xếp hàng dài rút tiền khỏi ngân hàng
Nga đang phải chạy đua để ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ giữa lúc nền kinh tế phải căng mình chống đỡ loạt trừng phạt nặng nề từ phương Tây, sau khi quân đội nước này tấn công vào Ukraine.
Hôm 28/2, ngân hàng trung ương Nga bất ngờ tăng hơn hai lần lãi suất từ 9,5% lên 20% để chặn đà rơi kỷ lục của đồng ruble.
Sàn giao dịch chứng khoán Moscow đóng cửa cả ngày và sẽ tiếp tục cài then cho đến 5/3. Trước đó, Nga đã lệnh cho các công ty môi giới "đình chỉ thực hiện tất cả các lệnh của các nhà đầu tư nước ngoài muốn bán bớt chứng khoán Nga" để ngăn dòng vốn tháo chạy.
Tính tới khoảng 0:15 sáng 1/3 (theo giờ địa phương), đồng ruble mất khoảng 25% giá trị so với đồng USD, trước đó đồng nội tệ của Nga thậm chí lao dốc tới 40%. Các nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế Nga có thể suy giảm 5%.
Ông Liam Peach, nhà kinh tế chuyên về thị trường mới nổi tại Capital Economics, đánh giá: "Sự gia tăng các lệnh trừng phạt của phương Tây trong cuối tuần qua đã đẩy các ngân hàng Nga đến bờ vực khủng hoảng".
Một trong những nạn nhân đầu tiên là chi nhánh châu Âu của Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước Nga và đang nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng trung ương châu Âu cho biết Sberbank Europe, bao gồm các chi nhánh ở Áo và Croatia đang sụp đổ, hoặc rất dễ sụp đổ vì "tiền gửi bị rút mạnh" do khủng hoảng Ukraine.
Giá cổ phiếu Sberbank niêm yết ở London ngã nhào, mất 70%. Các công ty Nga khác niêm yết ở thị trường nước ngoài cũng điêu đứng. Gã khổng lồ khí tự nhiên Gazprom rớt 37% tại sàn giao dịch London. Cổ phiếu công ty cung cấp dịch vụ internet Yandex bị ngừng giao dịch trên sàn Nasdaq, 7 cổ phiếu Nga khác yết ở New York cũng chịu chung số phận.
Tờ Guardian đưa tin nhiều người Nga đổ xô tới các điểm rút tiền ở Moscow để rút tiền tiết kiệm trước khi tiền mất giá nặng hơn.
Tuy chính phủ Nga đã công bố các biện pháp để nâng đỡ đồng nội tệ nhưng động thái này không đủ để xoa dịu sự lo ngại của người dân. Khi các ATM hết USD thì nhiều người tức tốc tìm cách chuyển ruble sang hàng hóa trước khi giá tăng vọt.
Doanh nghiệp phương Tây rút chân
Theo Wall Street Journal, các doanh nghiệp quốc tế đang đánh giá lại việc kinh doanh ở Nga, một số cắt giảm hoạt động và số khác rút lui hoàn toàn.
Shell, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Anh vừa trở thành đại gia Tây phương mới nhất cắt đứt quan hệ với Nga vì xung đột với Ukraine. Shell thông báo sẽ rút khỏi các dự án liên doanh ở Nga và từ bỏ vai trò tài trợ cho đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
Shell có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn ở trong các dự án liên doanh ở Nga nhưng có thể phải chấp nhận việc giá trị tài sản đi xuống sau khi rút khỏi các liên doanh.
Quyết định của Shell được đưa ra một ngày sau khi đại gia dầu khí BP (cũng của Anh) cho biết sẽ thoái vốn gần như hoàn toàn khỏi nhà sản xuất dầu Nga Rosneft. BP đã phải chịu áp lực lớn từ chính phủ Anh.
Cũng trong đầu tuần, công ty năng lượng Na Uy Equinor thông báo sẽ rút khỏi các khoản đầu tư ở Nga, Daimler Truck ngừng gửi linh kiện cho đối tác liên doanh của Nga và Volvo Car cho biết họ sẽ ngừng kinh doanh tại Nga. Ông lớn GM cũng ngưng xuất khẩu ô tô sang Nga.
Ngoài ra, Renault đóng cửa một nhà máy gần Moscow vì không thể mua đủ phụ tùng. Thương hiệu Audi của Volkswagen AG tạm dừng bán ô tô tại Nga để điều chỉnh sự sụt giảm của đồng ruble.
Giới luật sư cho biết các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân và ngân hàng Nga gây khó khăn lớn cho các công ty quốc tế hoạt động ở đây. Quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ quy mô 1.300 tỷ USD của Na Uy cũng dự định thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ở Nga.
Hàng hóa Nga bị tẩy chay
Khi lãnh đạo thế giới tăng cường đòn đánh vào kinh tế vào Nga, người tiêu dùng cũng phản đối chiến tranh với lệnh trừng phạt của riêng họ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Nga đang phải đối mặt với sự tẩy chay.
Tuần vừa rồi, Thống đốc bang Utah và New Hampshire (Mỹ) đã lệnh loại rượu vodka có nhãn hiệu của Nga và do Nga sản xuất ra khỏi kệ các cửa hàng rượu do chính quyền điều hành. Tại bang Ohio, Thống đốc Mike DeWine yêu cầu tạm dừng việc mua và bán tất cả rượu vodka do hãng Russian Standard sản xuất.
Ủy ban Kiểm soát Rượu Ontario của Canada, một trong những tổ chức mua rượu lớn nhất thế giới, cũng loại bỏ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Nga khỏi 679 cửa hàng của mình.
Ông Paul Isely, Giáo sư kinh tế tại Đại học Grand Valley State nói rằng việc gây sức ép lên các công ty vodka khó có thể làm tổn thương kinh tế Nga chứ đừng nói đến việc khiến ông Putin hồi tâm chuyển ý. Song ông nhấn mạnh rằng sự đoàn kết chống lại Nga mà những người tẩy chay rượu vodka thể hiện không phải chuyện nhỏ.
Sự phản đối cũng lan đến thế giới nghệ thuật. Nhà hát Opera Metropolitan ở Mỹ tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với các nghệ sĩ ủng hộ ông Putin.