Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam

08:21 | 23/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cho thấy, các doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh.

Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam - ảnh 1
Lễ Công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Nguồn: Internet. 
Sáng 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

Đây là báo cáo được thực hiện dựa trên trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Điều đáng chú ý trong Báo cáo thường niên lần thứ 13 này là: Lần đầu tiên, Quảng Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100. Các chỉ số tăng điểm là tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…

Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam - ảnh 2
Quảng Ninh vươn lên vị trí dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.Nguồn: Internet. 
Những địa phương khác trong Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất của năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm), Bến Tre (66,7 điểm), Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TPHCM (65,2 điểm), Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh là các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình.”

Báo cáo thường niên cho thấy, các doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. 52% doanh nghiệp tư nhân và 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng đề cập rõ khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt: Doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để mở rộng mặt bằng kinh doanh, họ cũng cảm thấy mức độ rủi ro của việc thu hồi đất ngày càng gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp có đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm nhẹ và thấp hơn nhiều mức kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2012, 2013…

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định: “Báo cáo PCI có tác động to lớn trong việc thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam và điều này góp phần quan trọng vào việc tăng cường các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam. Chúng tôi mong đợi Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự thịnh vượng trong những năm tới”.