Camimex (CMM): Thị giá giảm mạnh sau 3 ngày đầu niêm yết, Phó TGĐ đăng ký bán toàn bộ 150.000 cp

Thùy Dương 18:39 | 10/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 8/11/2022, 56,9 triệu cổ phiếu CTCP Camimex với mã chứng khoán CMM chính thức được đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở GDCK Hà Nội. Trong 3 phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu CMM liên tục giảm theo nhịp biến động chung của thị trường.

Cùng với đà giảm chung trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, dù mới niêm yết nhưng cổ phiếu của CTCP Camimex vẫn không tránh khỏi 3 phiên giảm liên tục. Cụ thể, kết phiên ngày 10/11, thị giá mã này tụt xuống 8.600 đồng/cp, thấp hơn giá niêm yết 18% (10.500 đồng/cp), khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 7.000 cổ phiếu, thấp hơn 14 lần so với ngày đầu tiên lên sàn.

Đáng chú ý, ngày 9/11, Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Huỳnh Văn Tấn đã đăng ký bán hết 150 nghìn cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,26% với mục đích đầu tư. Phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 10/11-7/12. Tạm tính theo thị giá chốt phiên 10/11 là 8.600 đồng/cp, dự kiến ông Tấn có thể thu về khoảng 1,29 tỷ đồng sau giao dịch này.

Camimex được thành lập từ tháng 5/2013 tại tỉnh Cà Mau, trở thành công ty đại chúng từ tháng 5/2022 và hiện có vốn điều lệ 630 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ của CTCP Camimex là CTCP Camimex Group sở hữu 76,69% cổ phần. Đây là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận sinh thái EU Organic, BIO SUISSE cho chuỗi sản phẩm tôm sinh thái, từ con giống, vùng nuôi đến sản phẩm sinh thái.

CMM có lợi thế là diện tích nuôi tôm sinh thái được các hộ dân là đối tác nuôi trồng đạt 7.000 ha tại lâm trường Cà Mau (chiếm 1/3 diện tích nuôi tôm sinh thái đạt chứng chỉ quốc tế của tỉnh Cà Mau). Cộng thêm tỉnh Cà Mau có mạng lưới sông ngòi với diện tích rừng ngập mặn che phủ lớn và khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho việc tôm sinh trưởng, chính bởi vậy sản lượng thu hoạch luôn đảm bảo quanh năm.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là chế biến và xuất khẩu tôm thủy sản, doanh thu chính từ hoạt động bán thành phẩm. Hiện tại, CMM sở hữu ba nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau với tổng công suất hơn 18.000 tấn/năm.

Doanh thu năm 2021 đạt 2.041 tỷ đồng trong đó, doanh thu từ xuất khẩu chiếm bình quân 65% tổng doanh thu. Sản phẩm của CMM có mặt tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Năm 2021, công ty ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 58,83 triệu USD, tương ứng 1.341 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2020. Châu Âu là thị trường xuất khẩu truyền thống của công ty và chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm bình quân 42%) trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu của công ty. Bên cạnh Châu Âu, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của công ty nhờ việc tận dụng ưu đãi VFKTA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc). Trong năm 2021, sản lượng xuất khẩu vào thị trường này tăng từ 252 tỷ đồng lên 354 tỷ đồng.

 
 

Hiện tại, CMM đang vận hành 3 nhà máy, xí nghiệp chế biến số 2, 4, 5 trên tổng diện tích gần 4,5 ha. Trong giai đoạn 2022-2023, công ty dự kiến sẽ nâng cấp cải tạo các cơ sở sản xuất bao gồm: xí nghiệp số 4 lên 5.000 tấn thành phẩm/năm; xây mới xí nghiệp số 1 với công suất 5.000 tấn thành phẩm/năm;  xây mới xí nghiệp số 3 với công suất 4.000 tấn thành phẩm/năm). 

Theo kế hoạch lợi nhuận và cổ tức năm 2022, chỉ tiêu doanh thu dự kiến đạt 3.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng. Hết 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt 1.296 tỷ đồng (36,8% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế là 64 tỷ đồng (44% kế hoạch năm) tăng lần lượt 49% và 138% so với cùng kỳ năm 2021.