Cán cân thương mại đảo chiều trong tháng 5, Việt Nam nhập siêu 2 tỷ USD
Theo đó, cán cân thương mại trong tháng 5 đã có những khác biệt so với 4 tháng đầu năm. Những tháng trước Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD, còn tháng 5 lại nhập siêu 2 tỷ USD.
Điều này đã làm biến đổi chênh lệch giữa mức xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước trong 5 tháng nghiêng theo hướng nhập siêu khoảng 369 triệu USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự trở lại của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 trên lãnh thổ Việt Nam. Dịch bệnh bùng phát tại các khu công nghiệp khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và phần nào ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.
Nhưng nếu tính chung lại trong cả 5 tháng đầu năm, các hoạt động kinh tế vận tải, thương mại vẫn diễn biến theo hướng tích cực, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong vòng 5 tháng ước tính khoảng 262 tỷ USD, tăng 33% so với thời điểm năm 2020.
Trung Quốc vẫn là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 5 tháng vừa qua
Về nhập khẩu, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD và tăng lần lượt 30.2% và gần 40% so với cùng thời điểm năm 2020. Còn tính riêng tháng 5, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa rơi vào mức 28 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 4 và so với cùng kỳ cao hơn 56,4%.
Việt Nam chủ yếu nhập về các loại hàng liên quan đến tư liệu sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu. Nhóm hàng này chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, tăng 37% so với năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với trị giá kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 53%. Theo sau là nước và khu vực Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Mỹ.
Theo chiều ngược lại, xuất khẩu trong tháng 5 đạt giá trị 26 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với tháng 4, nhưng hơn 35,6% cùng thời điểm năm 2020. Tính chung cả 5 tháng thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có tổng trị giá 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tính cả dầu thô) vẫn chiếm chủ đạo về xuất khẩu khi đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8% tổng kim ngạch. Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu ở mức 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% còn lại.
Về cơ cấu nhóm hàng, công nghiệp và khoáng sản dẫn đầu với khi đạt giá trị 70,7 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 36,1% tổng kim ngạch. Theo sau đó là các nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt gần 47,32 tỷ USD, chiếm 36,1%. Còn lại là hai nhóm hàng về nông lâm sản và thủy sản chiếm lần lượt 7.4% và 2.5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng liên quan đến điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính và máy móc là có giá trị xuất khẩu lớn nhất và đều tăng so với cùng thời điểm năm 2020.
Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất trong xuất khẩu khi tổng kim ngạch đạt có trị giá 37,6 tỷ USD, tăng thêm 49,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo lần lượt gồm các quốc gia và khu vực Trung Quốc (20,1 tỷ USD), ASEAN (11,5 tỷ USD), Hàn Quốc (8,9 tỷ USD), Nhật Bản (8,4 tỷ USD).
H.S
Xem thêm: Tắc nghẽn tại kênh Suez ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam