Cần sớm có cơ chế triển khai đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Cấp thiết thực hiện dự án
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh có 3 tuyến Vành đai 2, 3 và 4 với tổng chiều dài khoảng 356 km; đến nay mới đưa vào khai thác được khoảng 71 km. Trong số đó, Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, nhưng hơn 10 năm qua chưa được đầu tư xây dựng khép kín.
Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chi phí logistic cao, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các đô thị, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống đường vành đai TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, các công trình trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa kịp thời đầu tư, khai thác đồng bộ.
Ủng hộ chủ trương đầu tư, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, đầu tư Vành đai 3 không phải cần thiết nữa mà đã quá cấp thiết bởi đến nay chưa triển khai là quá trễ. Chúng ta đã quy hoạch, giải phóng hệ thống cảng ra khỏi thành phố nhưng xe container vẫn ùn ùn vào thành phố, nguyên nhân bởi chưa có Vành đai 3.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 3, dự án đầu tư phân kỳ (giai đoạn 1) với tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe; tốc độ thiết kế 100 km/giờ; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh; đường song hành có quy mô từ 2 đến 3 làn xe, không liên tục. Dự án có chiều dài 76 km; trong đó, có khoảng 13 km đi trên cao trên địa bàn thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Đây là đường vành đai cao tốc liên vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm. Đầu tư khép kín tuyến đường này là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Việc chậm phát triển, kết nối giao thông vùng ngày nào thì thiệt hại ngày đó. Chi phí logistics vùng này là rất cao, do vậy đầu tư dự án này là hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh. Khu vực này là 1 vành đai công nghiệp trải dài Bến Lức - Đức Hòa - Long An về Vũng Tàu thành trung tâm công nghiệp mang tính khu vực. Tuy nhiên, khi các đường vành đai đều nằm trên giấy thì cảng không phát triển được.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dự án này mong mỏi quá lâu, nên nay được triển khai giống như điều thần kỳ xảy ra. Thực tế, chúng ta không thể chờ đợi Vành đai 3 thêm được nữa. Phải nhìn nhận cách tiếp cận Vành đai 3 không chỉ cho TP Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà cho cả nước. TP Hồ Chí Minh cần mạnh dạn đề xuất để thay đổi cách làm về hạ tầng hơn nữa.
Đề xuất nhiều cơ chế
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi 4 nội dung chính về sự cần thiết đầu tư dự án; mục tiêu thực hiện dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội dự án mang lại; hình thức tổ chức thực hiện cũng như một số cơ chế chính sách triển khai đầu tư dự án và một số vấn đề khác liên quan.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đến nay, dự án đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022. Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng nhằm hoàn thiện hồ sơ dự án, một công trình trọng điểm quốc gia, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án Vành đai 3 khoảng 75.377 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 25.945 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 41.589 tỷ đồng. Dự kiến bố trí cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho dự án từ ngân sách Trung ương là 38.740 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 36.637 tỷ đồng. Dự án có khoảng 3.863 hộ bị ảnh hưởng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong đó, khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư.
Về nguồn vốn ngân sách địa phương, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cam kết sẽ bố trí đủ vốn để triển khai dự án theo tiến độ; trong đó, có nguồn vốn dự kiến huy động từ phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố (các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án). Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư (các dự án thành phần) tăng thêm thì địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ ngân sách địa phương.
Để sớm tạo điều kiện triển khai nhanh dự án, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kiến nghị Quốc hội cho phép phân chia dự án thành 8 dự án thành phần; cho phép Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND các địa phương tổ chức thực hiện các dự án thành phần. Bên cạnh đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh; giao UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối thực hiện các công tác tổng hợp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án mà không vượt tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua; giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án; trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về quỹ đất dọc tuyến, Tiến sỹ Trần Du Lịch đánh giá, quỹ đất này rất quan trọng, nếu khai thác được thì chi phí thực hiện Vành đai 3, kể cả Vành đai 4 cũng không gặp vấn đề gì. Bên cạnh đó, khi triển khai thì yếu tố thời gian là quyết định, phải thực hiện nhanh hơn nữa, bởi chậm một ngày là thiệt hại rất lớn. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì đến năm 2030 có thể hoàn thiện giao thông cho vùng và khi đó các địa phương sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.
Đối với cơ chế chỉ định thầu, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong nghiên cứu khả thi, phải lựa chọn, đánh giá quy mô nhà thầu phù hợp, tránh lợi ích nhóm và kéo dài thời gian dự án. Cần yêu cầu trách nhiệm, ràng buộc rõ ràng. Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước cũng đánh giá, giải phóng mặt bằng một lần là ưu điểm rất lớn, do đó cần phải đề xuất cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng một cách hiệu quả hơn.
Chia sẻ trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Vành đai 3 thể hiện sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền các địa phương. Khó khăn nhất là công tác mặt bằng và đã có kế hoạch để triển khai. Nếu được Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù sẽ thực hiện thuận lợi. Từ kinh nghiệm thực hiện cao tốc phía Đông cho thấy, nếu Quốc hội thông qua cơ chế thực hiện dự án Vành đai 3, các địa phương cần nhanh chóng thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai sớm.