Cảnh báo hiện tượng lừa đảo người dân chuyển tiền “đi chợ hộ” ở TP.HCM
Liên hệ trực tiếp Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ để đăng ký “đi chợ hộ”
Theo thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM, mô hình “đi chợ hộ” tại TP.HCM đã phát sinh một số khó khăn trong quá trình phân phối, dẫn đến số đơn hàng đăng ký giao tăng, nhưng số đơn được cung ứng lại giảm. Cụ thể, có phản ánh giá combo cao do người dân so sánh với giá thực tế, điều này được lý giải bởi một số khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp, các doanh nghiệp đã phải chuẩn bị lại gói combo phân phối ra thị trường.
Đặc biệt Sở Công Thương còn cảnh báo, đã có dấu hiệu lừa đảo người dân chuyển tiền đăng ký mua hàng qua những trang bán hàng không được lập bởi các tổ dân phố và hệ thống phân phối.
Sở Công Thương khuyến cáo, người dân nên liên hệ trực tiếp Tổ trưởng Tổ dân phố, Hội Phụ nữ hoặc đoàn thể tại các phường để đăng ký “đi chợ hộ”. Những đơn vị này sẽ cung cấp danh sách các đầu mối phụ trách địa bàn của Sở, người dân còn có vướng mắc trong đăng ký mua hàng nên liên hệ trực tiếp.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng cung cấp danh sách các đầu mối phụ trách địa bàn của Sở, người dân còn có vướng mắc trong đăng ký mua hàng nên liên hệ trực tiếp.
Theo báo cáo nhanh từ phòng kinh tế các quận, huyện, TP. Thủ Đức gửi về Sở Công Thương TP.HCM, đến cuối ngày 24/8, đã có 74.033 hộ dân đăng ký đơn hàng “đi chợ hộ”, tăng 50.385 hộ so với ngày 23/8. Tính chung, trong hai ngày áp dụng phương thức trên, đã có khoảng 98.000 hộ dân làm quen với phương thức “đi chợ hộ” trong tổng số 2,2 triệu hộ toàn TP.
Các hệ thống phân phối của TP đã cung ứng 70.337/74.033 đơn đăng ký, tương đương 95% số đơn “đi chợ hộ” được phân phối. Số lượng đơn đã phân phối ngày 24/8 giảm 6,8% so với ngày 23/8. Số đơn “đi chợ hộ” còn lại sẽ được các hệ thông phân phối tới các địa phương trong ngày hôm nay (25/8).
Nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa là do không có điều kiện mặt bằng, nhân sự để thực hiện "3 tại chỗ".
Toàn thành phố hiện còn 2.302 điểm bán hàng, giảm 699 điểm bán so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội đặc biệt từ ngày 23/8, gồm: 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn.
Siêu thị giới thiệu các mẫu combo thực phẩm với giá bình dân
Theo thông tin trên báo Người Lao động, nhiều siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương để chào hàng, giới thiệu thêm các mẫu combo thực phẩm với giá bình dân. Chẳng hạn, hệ thống MM Mega Market đã chuyển danh sách 4 loại combo và các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng cơ bản đến chính quyền địa phương nơi có siêu thị trú đóng.
Các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op sẽ gửi danh mục khoảng 100 mặt hàng thiết yếu và một số combo hàng hóa có giá chỉ từ 100.000 đồng, đồng thời thông báo tiếp tục áp dụng những phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh như: pick & ship (khách tới ghi đơn hàng, nhân viên siêu thị chọn hàng giúp), mua hàng online... Hệ thống này cho biết đã có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa, nhân sự, phương thức kinh doanh để bảo đảm việc phân phối hàng thiết yếu đến người dân được kịp thời. Các hệ thống Big C, GO!, Lotte Mart, AEON, Bách Hóa Xanh cũng đã hoàn tất việc gửi danh mục hàng hóa đến người dân.
Theo các doanh nghiệp, nếu so với tổng số gần 2,2 triệu hộ dân sinh sống tại TP.HCM, lượng đặt hàng hiện chỉ chiếm 3,39% là quá ít, trong khi hàng hóa, lương thực, thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ tại các điểm bán.
"Một số điểm bán vẫn gặp khó khăn trong khâu giao hàng. Rất mong các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tăng cường nhận đơn đặt hàng của người dân, phối hợp với doanh nghiệp phân phối để cung ứng. Cùng với đó, hỗ trợ thông tin dự kiến nhu cầu mua sắm để DN chủ động nguồn hàng, tránh thừa hoặc thiếu hàng do thiếu thông tin" - đại diện một hệ thống bán lẻ nêu ý kiến.
Tuy vậy, theo thống kê sơ bộ của các địa phương, đến cuối ngày 24/8, có nhiều cửa hàng không đáp ứng kịp nhu cầu của người tiêu dùng về các mặt hàng hàng khô như bún, phở… Riêng mặt hàng thịt heo, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) không có thịt tươi, chỉ có hàng đông lạnh. Tại địa bàn quận Phú Nhuận, không có thịt heo MeatDeli. Tại huyện Củ Chi, nguồn thịt tươi sống tại các cửa hàng khá ít.
Sáng kiến túi combo 10kg của Tổ 970
Ngày 24/8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM triển khai thí điểm chương trình túi an sinh combo nông sản trên địa bàn toàn thành phố.
Theo đó, để góp phần giảm ùn ứ nông sản cho nông dân ở các tỉnh và giúp người dân thành phố được tiếp cận gói combo 10kg nông sản giá bình dân từ 100.000-150.000 đồng, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND TP. HCM cần ưu tiên triển khai mô hình combo 10kg/túi nông sản tại TP.HCM.
Trước mắt UBND TP.HCM chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công Thương TP tiến hành thí điểm triển khai mô hình combo 10kg/túi theo hình thức hướng dẫn các doanh nghiệp đăng kí địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch; người mua và người bán “tự mua - bán - thanh toán” trực tiếp; ưu tiên cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp thí điểm mô hình combo 10kg/túi được vận chuyển hàng hóa đến nơi tập trung người mua. Hoặc sau khi người mua - bán - thanh toán xong, nhờ xe của cơ quan nhà nước đến chuyển combo từ người bán đến người mua.
Theo Tổ công tác 970, chương trình triển khai sẽ giúp kết nối giữa người mua và người bán combo tự liên lạc mua - bán - thanh toán trực tiếp với nhau thông qua ứng dụng mạng xã hội sẵn có như zalo, facebook, email…, đồng thời giảm áp lực cho lực lượng chức năng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu tới người dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.
Mỹ Tịch
Xem thêm: Sở Công Thương TP.HCM: Người dân phản ánh giá combo 'đi chợ hộ' cao