Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ bánh trung thu online

19:55 | 06/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều đối tượng đang lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để kinh doanh các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua bánh trung thu online, bởi nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.

Đáng chú ý, sản phẩm còn có thể chứa các chất độc hại, ô nhiễm hoặc làm từ thực phẩm bị hư hỏng, biến chất do thiếu điều kiện bảo quản.

Phần lớn những sản phẩm này do cá nhân, hộ kinh doanh bày bán, chạy quảng cáo trên các website, ứng dụng thương mại điện tử, nhóm cộng đồng online hoặc nhóm khu dân cư trên mạng xã hội…

Người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua bánh trung thu online.

Để bảo vệ quyền lợi của bản thân khi mua sắm online, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao gồm đầy đủ tên nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản…

Ngoài ra, sản phẩm cần thể hiện rõ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu không bị dập nát, biến dạng, bao bì nguyên vẹn, không có màu sắc khác thường, bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng hay mùi khác lạ. Người dùng tuyệt đối tránh xa sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website như tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …. Ngoài ra phải có thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; điều kiện giao dịch, chính sách đổi trả hàng và hoàn tiền; chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng trên mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, nguồn gốc sản phẩm, giấy phép của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng như đánh giá của người tiêu dùng trước đó.

Bắt giữ nhiều vụ bánh trung thu không nguồn gốc

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bánh trung thu truyền thống năm nay không còn được sôi động như mọi năm. Thay vào đó, trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, bánh trung thu đang được rao bán khá rầm rộ.

Trên các sàn thương mại điện tử, bánh Trung thu hầu hết đều được quảng cáo giảm giá từ 10 - 50%. Ngoài bánh Trung thu của các hãng trên, còn có các thương hiệu bánh trung thu truyền thống lâu đời của Hà Nội. Mùa Trung thu 2021, Bảo Phương đưa ra thị trường các loại bánh như bánh chay, bánh đậu xanh hạt dưa, thập cẩm cổ xưa… với giá bán từ 20.000 đồng đến 90.000 đồng/cái. Cùng với đó là bánh dẻo, bánh nướng gia truyền Đông Phương (Hải Phòng) cũng được rao bán… Ngoài ra rất nhiều gian hàng bán bánh tự làm, gắn mác “handmade”.

Một vụ phát hiện lô bánh kẹo không rõ xuất xứ, nhãn ghi tiếng Trung Quốc của lực lượng quản lý thị trường. (Ảnh: QLTT)

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), người tiêu dùng cần cẩn trọng, đặc biệt là cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua hàng online. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa phương và phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Tam Dương đang bày bán 128 chiếc bánh Trung thu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên.

Đáng chú ý, ngày 25/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Thái Nguyên) kiểm tra xe vận chuyển hàng hóa phát hiện gần 2.500 gói bánh Trung thu, chả cay các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì ghi “Made in China”. Làm việc với đoàn kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan. Người này khai nhận đã mua trôi nổi số hàng trên tại các chợ đầu mối ở Lạng Sơn đưa về Thái Nguyên tiêu thụ.

Trước đó, rạng sáng 20/8, Đội 4 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an thành phố Hà Nội, đã phối hợp với Đội CSGT số 15, QLTT số 9 bắt giữ 1 xe tải chở số lượng lớn bánh trung thu nhập lậu với thủ đoạn mới là lợi dụng xe ưu tiên hoạt động trên luồng xanh.

Hành vi vận chuyển hàng lậu đã bị phát hiện khi cơ quan công an bất ngờ kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai sáng 20/8.

Hơn 8 tấn bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài này chưa đủ điều kiện tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Vì tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ cho lô hàng. Quan trọng hơn, giấy xác nhận công bố chất lượng của cơ quan chức năng - thứ để đảm bảo cho số thực phẩm này là an toàn với người sử dụng cũng không có. Hành vi vận chuyển hàng lậu đã bị phát hiện khi cơ quan công an bất ngờ kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

 

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng nên lựa chọn những loại bánh có xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất hợp vệ sinh, có ghi nơi sản xuất rõ ràng trên bao bì, kèm theo hướng dẫn sử dụng cũng như cách bảo quản; kiểm tra kỹ trên bao bì ngày, tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng bánh Trung thu. 

Khi chọn mua bánh trung thu, người tiêu dùng nên chọn bánh ở các địa điểm bán uy tín, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm... Không nên mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh “tiền mất tật mang”, mua phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.