Cập nhật đường đi của bão số 10: Cách quần đảo Hoàng Sa 380km, suy yếu khi vào đất liền
Bão số 10 đang đi khá chậm, dự kiến trong 1 - 2 ngày tới sẽ suy yếu thành áp thấp. Bão tiếp tục di chuyển vào đất liền, đổ bộ ở khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Theo bản tin lúc rạng sáng ngày 4/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 10 còn cách quần đảo Hoàng Sa 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo, trong hôm nay bão số 10 sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến sáng mai (5/11), vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão gây ra trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): ừ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Cơ quan khí tượng nhận định, từ 2 - 4 ngày tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu thành áp thấp và đi vào đất liền từ tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa.
Đường đi của báo ố 10
Đến 4h ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được từ 10 - 15km, tiếp tục tiến sâu vào trong đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp.
Dù yếu bớt trước khi vào bờ nhưng cần chú ý mây bão số 10 lệch tâm nhiều, nên sẽ gây mưa gió trước. Dự báo ngay từ đêm nay mưa lớn sẽ gia tăng, mưa tập trung ở Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Kon Tum, Gia Lai trước, sau đó sang ngày mai mở rộng ra cả Quảng Trị đến Hà Tĩnh. Đề phòng có những nơi mưa rất to trên 200mm.
Cảnh báo nguy cơ cao về sạt lở đất bởi nền đất đá miền Trung đã bị phá hủy sau nhiều đợt mưa lớn liên tiếp, đang ở trạng thái bão hòa, có thêm mưa là thêm mối lo về sạt lở. Tất cả các khu vực vùng núi từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía Bắc Tây Nguyên đều cần chú ý.
Tuy nhiên, trong thời gian bão hoạt động trên biển thì vùng Tây của khu vực Bắc và giữa biển Đông (gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.
Quân đội đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để ứng cứu
Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (đảo Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6. Kể từ chiều 4/11 tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3 - 5m, biển động mạnh.
Dự báo từ đêm 4/11 đến 6/11 các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt. Từ ngày 5 - 7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt.
Ảnh hưởng của mưa, các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa ở báo động 1 và báo động 2, có sông trên báo động 2.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, hơn 27.000 bộ đội và 11 máy bay đã sẵn sàng ứng phó với bão. Quân đội huy động 64.000 người thuộc các lực lượng và hơn 1.700 phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão số 10.
Tính đến 16h ngày 3/11, Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền nhận biến diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng, tránh.
Xem thêm: Cơ quan khí tượng cảnh báo bão số 10 có thể gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung
Hương Quỳnh