Cập nhật KQKD ngân hàng quý III: Tài sản MB vượt 1 triệu tỷ, lợi nhuận HDBank tăng 43%

Minh Quang 12:11 | 29/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính trong quý III, lợi nhuận các ngân hàng đã công bố BCTC đã tăng trưởng 18%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận tăng trưởng tới 23%.

Tính đến sáng ngày 29/10, đã có 17 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Tính trong quý III, lợi nhuận các ngân hàng đã công bố BCTC đã tăng trưởng 18%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận tăng trưởng 23%.

 

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) cho biết lợi nhuận quý III đạt 4.490 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47% và thực hiện 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận quý III duy trì đà tăng trưởng nhờ thu nhập lãi thuần tăng 58% so với cùng kỳ lên 7.773 tỷ đồng. Thu ngoài lãi của HDBank đi xuống do không còn ghi nhận khoản lãi thuần đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản hợp nhất 629.000 tỷ đồng; huy động vốn 559.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của HDBank ở mức 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Số dư nợ xấu ở mức 7.568 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,9%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cho biết lợi nhuận quý III ở mức 7.308 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận MB tăng 4%, đạt 20.736 tỷ đồng và thực hiện khoảng 73% - 74% kế hoạch cả năm (từ 27.884 đến 28.410 tỷ đồng).

Trong quý III, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của MB tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro cao hơn đã khiến lợi nhuận gần như đi ngang.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MB ở mức 1,03 triệu tỷ đồng,tăng 8,9%, trở thành ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam, sau Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đạt được cột mốc này. Số dư cho vay khách hàng ở mức 702.019 tỷ đồng, tăng 14,9%; tiền gửi khách hàng đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6%. Cuối quý III, MB có 15.685 tỷ đồng nợ xấu, tăng 60% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,23%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank - Mã: VPBank) báo lãi 5.187 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của VPBank đạt 13.861 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Trong đó, ngân hàng mẹ lãi hơn 13.000 tỷ đồng. Sau 9 tháng, VPBank đã thực hiện được 59,8% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, công ty tài chính FE Credit cũng đã có lãi trở lại, với khoản lợi nhuận trước thuế gần 300 tỷ đồng trong quý III.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VPBank ở mức 858.900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay đạt gần 635.345 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với đầu năm. Số dư tiền gửi ở mức 475.800 tỷ đồng. Số dư nợ xấu vào cuối quý III của ngân hàng hợp nhất ở mức hơn 30.500, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 4,8%.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 440 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.553 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của OCB đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2023 trong đó cho vay khách hàng tăng 7,2%. Huy động thị trường 1 đạt 176.287 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của OCB tăng 29% so với đầu năm với hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó 2.325 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng cho vay khách hàng ở mức trên 3%.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III ở mức 230 tỷ đồng, tăng 265% (3,65 lần) so với cùng kỳ và dẫn đầu trong các ngân hàng đã công báo cáo tài chính. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận VietABank là 793 tỷ đồng, tăng 33,9%.

Kết quả kinh doanh quý III mạnh mẽ đến từ thu nhập lãi thuần gấp hơn ba lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí hoạt động không tăng đáng kể và chi phí dự phòng giảm 85,7% cũng hỗ trợ cho lợi nhuận của ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của VietABank ở mức 116.406 tỷ đồng, tăng 3,75% so với đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 77.267 tỷ đồng, tăng 11,9%. Tiền gửi khách hàng đạt 92.365 tỷ đồng, tăng 6,5%. Cuối quý III, số dư nợ xấu của ngân hàng là 1.316 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,7%.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) cho biết lợi nhuận trước thuế quý III ở mức 904 tỷ đồng, tăng 194% (tức gần 3 lần) so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của Eximbank là 2.378 tỷ đồng, tăng 39% và thực hiện 45,9% kế hoạch cả năm.

Kết quả tích cực trong quý III đến từ việc chi phí lãi của Eximbank giảm đáng kể trong cùng kỳ, cũng như hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt mức tăng trưởng 265%.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 223.684 tỷ đồng, tăng 11%. Cho vay khách hàng tăng trưởng 13,6%, lên 159.483 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của Eximbank cũng nhích thêm 15,9% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu lên 2,71%.

 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank - Mã: BVB) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 29,2 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 23 tỷ đồng.

Mặc dù tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ, lợi nhuận quý III/2024 của BVBank vẫn thấp hơn hai quý liền trước. Lũy kết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 181,9 tỷ đồng, gấp gần ba lần (196%) so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng, BVBank đã thực hiện được gần 91% kế hoạch được ĐHĐCĐ giao (200 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) cho biết lãi trước thuế quý III đạt 4.844 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ, Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của ACB tăng 2%, đạt 15.335 tỷ đồng. Trong quý III, thu nhập ngoài lãi giảm đã kéo lợi nhuận trước thuế của ACB đi xuống. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc ACB không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ chứng khoán đầu tư.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 777.392 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 554.908 tỷ đồng, tăng 13,8%. Trong khi đó, tiền gửi khác hàng chỉ đi lên 6,1%, đạt 512.124 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ACB vào cuối quý III ở mức 8.275 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,49%.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) công bố kết quả kinh doanh cho 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Ước tính riêng trong quý III, lợi nhuận của VIB đạt khoảng 1.995 tỷ đồng, giảm 26%. Như vậy sau 9 tháng, VIB mới thực hiện được khoảng 54,8% kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua (12.045 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản VIB đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm, cao hơn so với mức trung bình ngành là 9%. Ngoài ra, ngân hàng cho biết huy động vốn tăng 8%, gần gấp đôi trung bình ngành. Tỷ lệ nợ xấu của VIB vào cuối quý III ở mức 2,67%.

VIB có quý lãi ít nhất kể từ giữa năm 2021.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm ở mức 4.508 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính riêng trong quý III, lợi nhuận của SeABank ở mức 1.269 tỷ đồng, tăng 11%.

Ngân hàng cho biết sau 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức 9.190 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuần ngoài lãi (NOII) đạt 1.650 tỷ đồng và thu nhập lãi thuần (NII) đạt 7.541 tỷ đồng. Tỷ lệ NIM ở mức 3,94%.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng tài sản SeABank đạt 288.518 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 196.890 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng huy động của SeABank đạt gần 178.666 tỷ đồng, tăng gần 2%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn, CASA đạt 20.677 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm ngoái.

Lợi nhuận SeABank tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng đã chậm lại so với quý II.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 22.842 tỷ đồng, tăng trưởng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Techcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần (NII) đạt 26.900 tỷ đồng, tăng trưởng 33,9%, thu từ hoạt động dịch vụ đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 17,1%.

Ngoài ra, phí dịch vụ bảo hiểm đạt 594 tỷ đồng, tăng 29,8%. Cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 927.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Tính riêng ngân hàng mẹ, tín dụng tăng trưởng 17,4% so với đầu năm lên 622.100 tỷ đồng.

Trên cơ sở hợp nhất, dư nợ khách hàng cá nhân tăng 6% so với quý liền trước, trong khi tín dụng doanh nghiệp 2,9%. Ngoài ra, ngân hàng cho biết số dư CASA (bao gồm cả sản phẩm "Sinh lời tự động") đạt 200.300 tỷ đồng, tăng 8,9%. Tỷ lệ CASA ở mức 40,5%.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - Mã: KLB) công bố lợi nhuận quý III ở mức 209 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên xét lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 761 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

Trong quý III, thu nhập lãi thuần của KienlongBank đạt 866 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tiến thêm 80%, ở mức 665 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng 50%, ở mức 138 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sụt giảm.

Đến cuối quý III, tổng tài sản KienlongBank ở mức 91.827 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 59.275 tỷ đồng, tăng 14,4%. Tiền gửi đạt 60.041 tỷ đồng, tăng 5,5%. Số dư nợ xấu ở mức 1.151 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,94%.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) cho biết lợi nhuận 9 tháng ở mức hơn 32 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng cho biết thu nhập lãi thuần tăng 27,4% so với cùng kỳ, trong khi mảng dịch vụ tăng trưởng 31%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng trưởng 85%.

Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động sau 9 tháng đầu năm của BaoViet Bank tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ngân hàng cho biết đã giảm 4% chi phí vận hành, nhưng tăng 35% trích lập dự phòng.

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của BaoViet Bank đạt 90.377 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 12%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,3%, đạt 57.230 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đã công bố lợi nhuận trước thuế quý III đạt 76,9 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận PGBank đạt 344,4 tỷ đồng, giảm 4,4 % so với cùng kỳ.

Trong quý III, thu nhập lãi thuần của PGBank đã tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ, mang về 416 tỷ đồng và là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi cũng tăng 34,7%, đem về cho ngân hàng gần 32 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản của PGBank ở mức 61.804 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 36.894 tỷ đồng, tăng 4,4%. Số dư nợ xấu của ngân hàng là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6%, tỷ lệ nợ xấu nhích tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho biết lợi nhuận trước thuế quý III tăng 133% so với cùng kỳ, đạt 2.889 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận trong quý III đến từ cả thu nhập lãi thuần lẫn thu ngoài lãi. Theo đó, thu nhập lãi thuần của LPBank tăng 43,5%, đạt 3.777 tỷ đồng nhờ chi phí lãi giảm mạnh gần 15% từ 5.447 tỷ đồng xuống 4.673 tỷ đồng. Mảng thu nhập ngoài lãi từ hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng 519%, đem về 1.016 tỷ đồng.

Cuối quý III, tổng tài sản của LPBank đã lên gần 446.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,1%, đạt 319.770 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tại LPBank cũng tăng 14,3%, đạt gần 271.303 tỷ đồng.

 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) cho biết lợi nhuận trước thuế đạt hơn 200 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của SaigonBank đạt hơn 248 tỷ đồng. Theo thông tin từ SaigonBank, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất đã khiến thu nhập lãi thuần giảm 3% trong 9 tháng và kéo theo lợi nhuận tụt 18%.

Ngoài ra, ngân hàng cũng cho biết kết thúc quý III, dư nợ tín dụng tăng 5% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ và 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank ở mức 2,2%, trích lập dự phòng thêm 20% so với năm trước.

(Tiếp tục cập nhật)