Cập nhật vĩ mô: Chi ngân sách tăng tốc, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công

P.Đ 10:40 | 12/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định với tăng trưởng GDP quý 2 cao nhất kể từ 2011; ngành sản xuất tăng trưởng ổn định, dẫn dắt bởi đà tăng trưởng 2 chữ số của ngành chế biến & chế tạo; trong nửa đầu năm 2025, thu NSNN tăng mạnh 28,3% YoY lên 1.332,3 nghìn tỷ đồng..., theo báo cáo mới đây của công ty chứng khoán VietCap.

 Tăng trưởng GDP đạt mức cao

Tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm 2025 đạt mức cao nhất kể từ năm 2011: Tăng trưởng GDP quý 2/2025 của Việt Nam đạt mức 7,96% YoY (quý 2/2024: +7,25% YoY), qua đó đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 (6T 2025) lên mức 7,52% YoY (6T 2024: +6,64% YoY) – mức cao nhất kể từ năm 2011 và chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu của Chính phủ là 7,6% YoY. 

- Khu vực Dịch vụ là khu vực đóng góp lớn nhất vào GDP, tăng 8,5% YoY trong quý 2/2025 (quý 2/2024: +7,4% YoY) và 8,1% YoY trong 6T 2025 (6T 2024: +6,8% YoY), đóng góp 52,2% vào tăng trưởng GDP trong 6T 2025. Trong Khu vực Dịch vụ, các ngành ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6T 2025 bao gồm hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+14,6% YoY), hoạt động của Đảng Cộng sản (+13,1% YoY), giáo dục và đào tạo (+10,5% YoY), và dịch vụ lưu trú và ăn uống (+10,5% YoY).

- Khu vực Công nghiệp và Xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 9,0% YoY trong quý 2/2025 (quý 2/2024: +8,6% YoY) và 8,3% YoY trong 6T 2025 (6T 2024: +7,8% YoY), đóng góp 42,2% vào tăng trưởng GDP. Trong Khu vực này, ngành sản xuất, chế biến chế tạo dẫn đầu với tăng trưởng 10,8% YoY trong quý 2/2025 (quý 2/2024: +10,2% YoY) và 10,1% YoY trong 6T 2025 (6T 2024: +8,9% YoY) – đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong nửa đầu năm kể từ năm 2018.

Khu vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản duy trì ổn định, tăng 3,9% YoY trong quý 2/2025 (quý 2/2024: +3,8% YoY) và 3,8% YoY trong 6T 2025 (6T 2024: +3,6% YoY).

 

Ngành sản xuất ổn định

Ngành sản xuất tăng trưởng ổn định, dẫn dắt bởi đà tăng trưởng 2 chữ số của ngành chế biến & chế tạo: Trong 6T 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% YoY, dẫn dắt bởi đà tăng trưởng 2 chữ số (+11,1% YoY) của ngành sản xuất & chế tạo.

Báo cáo PMI gần nhất cho thấy niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đang phục hồi, trong khi khảo sát về xu hướng kinh doanh của Cục Thống kê cho thấy hơn 80% doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước, và ngoài Nhà nước kỳ vọng rằng điều kiện kinh doanh sẽ ổn định hoặc cải thiện tốt hơn trong quý 3. 

 

Tuy nhiên, sự sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu mới có thể gây rủi ro ngắn hạn cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong ngắn hạn. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global giảm xuống 48,9 điểm vào tháng 6, từ mức 49,8 điểm trong tháng 5. Điều này cho thấy sự suy giảm nhẹ về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất.

Đơn hàng xuất khẩu mới đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Một số nhà sản xuất cho biết thuế quan của Hoa Kỳ đã góp phần làm giảm đáng kể đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, sản lượng và niềm tin kinh doanh vẫn tiếp tục phục hồi. Điều này xuất phát từ việc các nhà sản xuất vẫn duy trì kỳ vọng vào điều kiện kinh doanh có thể ổn định hơn và căng thẳng thương mại có thể giảm bớt trong thời gian tới.

Khách quốc tế tăng cao hỗ trợ ngành bán lẻ 

Lượng khách quốc tế ổn định tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của doanh thu bán lẻ. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định, với mức tăng 8,3% YoY trong tháng 6 (tháng 6/2024: +9,6% YoY). Trong 6T 2025, tổng doanh thu bán lẻ tăng 9,3% YoY (6T 2024: +8,9% YoY) và 7,2% YoY nếu loại trừ yếu tố giá (6T 2024: +6% YoY).

Trong tổng doanh thu bán lẻ 6T 2025, cơ cấu tăng trưởng của các phân ngành như sau:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa – chiếm gần 77% tổng doanh thu bán lẻ – tăng khiêm tốn 7,9% YoY, chủ yếu được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng mạnh của mảng bán lẻ nhóm hàng văn hóa & giáo dục (+11,5% YoY) và thực phẩm & lương thực (+9,5% YoY).

Doanh thu bán lẻ dịch vụ lưu trú & ăn uống và doanh thu du lịch tiếp tục tăng mạnh lần lượt là 14,7% YoY và 23,2% YoY, được hỗ trợ bởi lượng khách quốc tế đến liên tục tăng trưởng vững chắc. Đáng chú ý, số lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt trong tháng 6/2025 (+17,1% YoY), nâng tổng lượng khách quốc tế trong 6T 2025 lên 10,7 triệu lượt (+20,7% YoY) – tương đương 125,7% so với mức trước đại dịch (khách Trung Quốc đạt 109,8%, khách từ các quốc gia khác đạt 132,3% so với mức trước đại dịch).

 

 

 

VietCap kỳ vọng thời điểm mùa hè có thể tiếp tục hỗ trợ doanh số bán lẻ trong những tháng tới do nhu cầu tổng thể có thể cao hơn. Ngoài ra, tiêu dùng trong nước vào nửa cuối năm 2025 có thể được hưởng lợi từ: (1) lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng mạnh; (2) miễn học phí hoàn toàn cho tất cả trẻ em mẫu giáo (3-5 tuổi) đến học sinh lớp 12 trong hệ thống công lập trên toàn quốc (trước đây chỉ áp dụng cho học sinh tiểu học và các trường hợp đặc biệt), cùng với hỗ trợ học phí cho học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; và (3) Chính phủ giải ngân hơn 100 nghìn tỷ đồng trong năm 2025 cho các cán bộ nghỉ hưu theo chương trình tinh giản biên chế - tính đến ngày 30/6/2025, Bộ Tài chính đã giải ngân khoảng 29,8 nghìn tỷ đồng cho khoảng 27.900 cán bộ nghỉ hưu.

Chi ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục tăng tốc

Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2025, thu NSNN tăng mạnh 28,3% YoY lên 1.332,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần 68% mục tiêu cả năm. Kết quả tích cực này chủ yếu nhờ vào nguồn thu nội địa tăng mạnh, đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng (+33,3% YoY). Ngoài ra, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 6,5% YoY đạt 148,7 nghìn tỷ đồng, trong khi thu từ dầu thô giảm 16,7% YoY, đạt 24,6 nghìn tỷ đồng.

Trong cùng kỳ, chi NSNN tăng 38,5% YoY đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng trong 6T 2025, được thúc đẩy bởi mức tăng mạnh ở cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Chi thường xuyên tăng 40,8% YoY đạt 776 nghìn tỷ đồng, một phần do tăng các khoản thanh toán cho cán bộ nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ. Giải ngân cho đầu tư phát triển tăng 42,3% YoY đạt 268,1 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% mục tiêu cả năm.

Đáng chú ý, thặng dư NSNN lũy kế đã giảm trong thời gian gần đây, từ 348,7 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 4 xuống còn 230,2 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6 (so với mức thặng dư 217 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024) do chi NSNN tăng lên.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, Chính phủ có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm 2025. Ngoài ra, với tốc độ giải ngân đầu tư công tăng mạnh gần đây, tiến độ hiện tại đang tăng khả năng Chính phủ có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân cả năm ở mức 95–100%.

 

Vốn FDI đăng ký đạt mức nửa đầu năm cao nhất kể từ năm 2009

Trong tháng 6, vốn FDI giải ngân tăng 8,8% YoY đạt 2,8 tỷ USD – mức cao nhất hàng tháng từ đầu năm đến nay – đưa tổng giải ngân trong 6T 2025 lên 11,7 tỷ USD (+8,1% YoY). Trong khi đó, vốn FDI đăng ký giảm 23,2% YoY trong tháng 6 xuống 3,1 tỷ USD, chủ yếu do mức nền cao vào tháng 6/2024, vốn cao gấp đôi mức trung bình 5 năm của tháng 6 trước năm 2024. Mặc dù sụt giảm trong tháng 6, tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 32,5% YoY trong 6T 2025 lên 21,5 tỷ USD – đánh dấu mức cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2009.

Trong tổng vốn FDI đăng ký 6T 2025, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo dẫn đầu với 11,8 tỷ USD, chiếm 55,1% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là ngành bất động sản với 5,1 tỷ USD (23,8%).

Xét về số vốn FDI đăng ký theo quốc gia/khu vực, Singapore dẫn đầu với 4,6 tỷ USD (21,5% tổng số), tiếp theo là Hàn Quốc (3,1 tỷ USD, 14,6%), Trung Quốc (2,5 tỷ USD, 11,6%) và Nhật Bản (2,2 tỷ USD, 10,1%).

Triển vọng: Mặc dù chi tiết các cuộc đàm phán thuế quan vẫn chưa rõ ràng, chúng tôi tin rằng thông tin có sẵn tiếp tục hỗ trợ triển vọng FDI của Việt Nam, được củng cố bởi các yếu tố cơ bản vững chắc như số lượng FTA lớn, chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động trẻ và ngày càng nâng cao tay nghề, cùng với hạ tầng đang liên tục được cải thiện.

 

Xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì tăng trưởng 2 chữ số

Dữ liệu từ Cục Hải quan cho thấy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì tăng trưởng 2 chữ số trong tháng 6 với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 16,4% YoY đạt 39,5 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 20,2% YoY đạt 36,7 tỷ USD, dẫn đến thặng dư thương mại 2,9 tỷ USD. Điều này dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong 6T 2025 lần lượt đạt 219,9 tỷ USD (+14,5% YoY) và 212,2 tỷ USD (+17,9% YoY), dẫn đến thặng dư thương mại 7,7 tỷ USD so với mức thặng dư 12,1 tỷ USD ghi nhận trong 6T 2024.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính trong nửa đầu năm 2025, máy tính & linh kiện điện tử tiếp tục dẫn đầu, tăng mạnh 40% YoY đạt 47,7 tỷ USD (chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6T 2025). Tiếp theo là điện thoại & linh kiện (26,9 tỷ USD; -0,9% YoY; chiếm 12,2%) và máy móc & thiết bị (26,9 tỷ USD; +15,4% YoY; chiếm 12,2%). Về phía nhập khẩu, 3 mặt hàng đứng đầu là: máy tính & linh kiện điện tử với 67,9 tỷ USD (+37,2% YoY), máy móc & thiết bị với 28,0 tỷ USD (+24,4% YoY) và vải với 7,5 tỷ USD (+3,5% YoY).

Xét theo thị trường xuất khẩu chính, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD (+28,2% YoY; chiếm 32,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6T 2025). Trung Quốc đứng thứ hai với 29,1 tỷ USD (+4,2% YoY, chiếm 13,2%) và EU đứng thứ ba với 27,3 tỷ USD (+10% YoY; chiếm 12,4%). Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh 26,4% YoY lên 84,7 tỷ USD trong khi Hàn Quốc đứng thứ hai với 28,4 tỷ USD, tăng 5,5% YoY.

 

Giá điện và giá xăng trong nước là động lực chính thúc đẩy lạm phát trong tháng 6

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,48% MoM và 3,57% YoY, qua đó đưa CPI bình quân 6T 2025 lên mức 3,27% YoY. Vietcap cho rằng nhu cầu tổng thể trong mùa hè có thể sẽ gây áp lực lên lạm phát trong vài tháng tới. Tuy nhiên, theo dự báo của Bloomberg, giá dầu thế giới có thể sẽ giảm trong giai đoạn nửa cuối năm 2025; điều này có thể sẽ hỗ trợ giá xăng dầu trong nước. 

Tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực trong tháng 6. Thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ giúp giảm bớt bất ổn với nhiều khả năng đây là một thỏa thuận khung với các chi tiết cụ thể chưa được công bố. Áp lực lên tỷ giá USD/VND đã giảm sau khi thông tin được công bố. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng việc đẩy nhanh hoạt động giải ngân đầu tư công trong giai đoạn nửa cuối năm 2025 có thể sẽ giúp làm giảm lượng tiền gửi của KBNN, qua đó đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng và giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.