Câu chuyên khởi nghiệp của "cha đẻ" Tập đoàn Suzuki Motor

18:36 | 19/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cũng như nhà sáng lập thương hiệu Toyota, cha đẻ của Tập đoàn Suzuki Motor - Michio Suzuki cũng bắt sự nghiệp của mình từ 1 xưởng sản xuất khung cửi dệt vải. Trải qua nhiều biến cố trong thế kỷ XX, Michio Suzuki đã trèo lái con thuyền Suzuki trở thành nhà sản xuất xe máy lớn thứ 4 thế giới và là 1 ông lớn trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Mochio Suzuki sinh ngày 18 tháng 2 năm 1887 tại 1 ngôi làng nhỏ có tên là Nezuminomura, thuộc tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Sinh ra trong 1 gia đình nông dân trồng bông, từ năm 7,8 tuổi ông đã phải làm việc trên những cánh đồng bông bạt ngàn. Tuy nhiên, Michio Suzuki luôn thích những công việc có tay nghề cao, vì vậy vào năm 1901, khi được 14 tuổi, ông đã bắt đầu học nghề dưới sự hướng dẫn nghiêm nghặt của 1 người thợ mộc có tên là Kōtarō Imamura.

Vào năm 1904, khi cuộc chiến tranh Nga – Nhật bắt đầu, do nhu cầu về thợ thủ công lành nghề khá thấp, nên Michio Suzuki phải đảm nhận vị trí nhân viên bảo trì máy dệt trong nhà máy. Tuy nhiên, chính công việc này là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của ông sau này.

Sau khi học nghề xong ở tuổi 21, bằng những kinh nghiệm đã tích luỹ được sau nhiều năm, Michio Suzuki đã quay trở về trang trại nuôi tằm của gia đình mình và biến đây thành 1 xưởng sản xuất khung cửi dệt vải. Lúc đó, Michio Suzuki đã sáng chế ra 1 khung dệt bằng bàn đạp để tặng mẹ mình, cho phép mẹ ông dệt nhanh hơn gấp 10 lần so với trước đây.

Tiếng đồn sau đó lan xa, những đơn đặt hàng Michio Suzuki chế tạo khung cửi đến tới tấp. Tháng 10/1909, ông thành lập Công ty Sản xuất Máy dệt Suzuki, và là tiền thân của Tập đoàn Suzuki Motor sau này.

Ông Michio Suzuki - Nhà sáng lập Suzuki Motor

Trong vài năm tiếp theo, Michio Suzuki tiếp tục đổi mới công nghệ khung dệt. Ông được khách hàng đánh giá là người luôn lắng nghe để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. "Luôn suy nghĩ theo quan điểm của khách hàng. Hãy cung cấp bất cứ thứ gì khách hàng của bạn cần" – Đây chính là quan điểm trong kinh doanh của Michio Suzuki.

Năm 1920, Michio Suzuki quyết định đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán để huy động số vốn cao hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng sản xuất. Nhờ đó mà công ty của ông đã trở lên nổi tiếng sau 1 tập kỷ sau đó với việc sản xuất máy dệt đục lỗ và xuất khẩu khắp Đông Nam Á, Ấn Độ. Ngoài ra, trong thời kỳ quân phiệt Nhật Bản, với chủ trương quân sự hoá nền kinh tế của Chính phủ Thiên hoàng công ty của Michio Suzuki còn sản xuất thêm nhiều đạn dược và phụ tùng chiến tranh khác.

Tuy nhiên, thành công này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì thị trường xuất khẩu của Nhật Bản thu hẹp nhanh chóng sau khi nước này ly khai khỏi Hội Quốc Liên năm 1933.

Sau hơn 30 năm, lăn lộn và thống lĩnh thị trường công nghiệp dệt của Nhật Bản, Michio Suzuki muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang những ngành công nghiệp khác. Cụ thể là xe hơi, bởi thời kỳ ấy, trung bình mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu 20 ngàn chiếc mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Tới năm 1936, dự án xe hơi của Michio Suzuki đã thành hiện thực khi đã cho ra đời 1 thiết kế ô tô nguyên mẫu được trang bị động cơ 4 thì, dung tích 800 phân khối, công suất 13 mã lực, 4 xi lanh và sử dụng hộp số.

Mẫu xe Swift của Suzuki

Nhưng do sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ 2, kế hoạch sản xuất những mẫu xe mới của Michio Suzuki được tạm hoãn, khi Chính phủ Nhật Bản khi ấy cho rằng, xe hơi là 1 loại hàng hoá không cần thiết. Và Tập đoàn Suzuki đã buộc phải thay thế thiết bị của họ để hỗ trợ sản xuất thiết bị cho chiến tranh.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Suzuki đã quay lại sản xuất máy dệt và nhanh chóng phát triển mạnh khi Chính phủ Mỹ đồng ý xuất vải bông sang Nhật Bản. Cũng nhờ thế mà tài sản của Michio Suzuki ngày càng tăng mạnh. Nhưng niềm vui ấy cũng không kéo dài được lâu, khi thị trường vải bông bắt đầu sụp đổ vào năm 1951.

Đối diện với thử thách khổng lồ này, suy nghĩ của Michio Suzuki khi ấy muốn chuyển sang sản xuất phương tiện gắn máy. Sau chiến tranh người Nhật có nhu cầu về phương tiện vận chuyển cá nhân rất cao, một số nhà máy bắt đầu cho ra đời 1 số động cơ chạy bằng khí ga, có thể gắn vào xe đạp bình thường.

Chiếc xe 2 bánh đầu tiên của Suzuki sản xuất là 1 chiếc xe đạp có gắn động cơ có tên là 'Power Free'. Chiếc 'mô tô-xe đạp' mới này đã rất thành công, đến năm 1954 Suzuki đã sản xuất 6.000 chiếc mỗi tháng và cũng từ đó Michio Suzuki đổi tên công ty thành Suzuki Motor Co Ltd.

Năm 1955, mẫu xe máy đầu tiên dưới thời công ty mới ra đời với tên gọi Colleda, sử dụng động cơ xi lanh đơn, công xuất 4 mã lực, đi cùng động cơ 3 cấp. Cũng trong năm này Suzuki cho ra đời mẫu ô tô cỡ nhỏ Suzulight. Sự kiện này trở nên quan trọng đối với thị trường xe hơi Nhật Bản thời kỳ đó. Michio Suzuki đã đích thân giám sát quá trình phát triển và sản xuất xe của mình, đóng góp vô giá vào việc thiết kế và phát triển các mẫu xe mới.

Năm 1957, Michio Suzuki từ chức chủ tịch của Suzuki Motor ở tuổi 70, để về làm thành viên của Hội đồng cố vấn; con rể của ông là Shunzō Suzuki đã lên làm chủ tịch thứ hai của công ty. Suzuki qua đời tại thành phố Hamamatsu vào ngày 27 tháng 10 năm 1982. Nhưng những đóng góp của ông cho nền kinh tế và ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản luôn được người dân xứ sở mặt trời mọc ghi nhớ.

ĐỌC NHIỀU