Cầu vượt sông gần 1.500 tỷ nối Nam Định với Ninh Bình dự kiến khởi công vào 2023

Hải Quân 11:19 | 06/09/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bên cạnh cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định với Ninh Bình, tỉnh Nam Định còn có các dự án nhằm phát triển hệ thống giao thông tỉnh là đường trục nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án kết nối TP Nam Định với đường ven biển...

 

 TP Nam Định hiện nay. (Ảnh: VGP) 

Báo Chính phủ dẫn thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, vùng kinh tế ven biển Nam Định đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hằng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.

Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu) với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724 km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606 nghìn người, khoảng 34% dân số toàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh đánh giá, vùng ven biển tỉnh Nam Định có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, vùng bãi bồi ngập mặn ven biển có diện tích trên 22.000 ha; có chiều dài bờ biển 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, có nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển công nghiệp.

Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc  Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, tạo thuận lợi phát triển khu kinh tế Ninh Cơ, khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; các khu, cụm công nghiệp nhất là Khu công nghiệp Hải Long với quy mô lớn trên 1.100 ha.

Đặc biệt, khu đô thị Thịnh Long - Rạng Đông đang hình thành và phát triển là đô thị loại III, trung tâm phía nam của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.

Khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có thể phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Bến phao, khu neo đậu chuyển tải Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang phục vụ chuyển tải hàng lỏng, hàng rời cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn.

Vừa qua, tỉnh Nam Định cũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải bổ sung bến cảng biển chuyên dùng quy mô đến năm 2030 đáp ứng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, vùng kinh tế ven biển của Nam Định phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các địa phương khác.

Nhằm phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng vốn có, đưa Nam Định trở thành địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó, đề ra định hướng xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững; dự kiến đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh.

Cùng với đó, xây dựng và phát triển các ngành kinh tế vùng ven biển đồng bộ, có sức cạnh tranh cao; trong đó chú trọng phát triển phát triển 4 nhóm ngành gồm: Công nghiệp ven biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện vùng ven biển.

Dự án xây dựng đường ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài tuyến đường gần 66 km dọc theo cả ba huyện ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy). Toàn tuyến đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư là 2.655 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2024.

Dự án xây dựng đường trục nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến đường 46 km. Nối từ xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng đến khu vực nút giao với Cao Bồ, huyện Ý Yên. Tổng mức đầu tư là 5.326 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I (2017 - 2021) là 2.839 tỷ đồng.

Đến nay dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư cũng đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai các công việc giai đoạn 2 dự án để đảm bảo tiến độ đầu tư.

Các dự án kết nối TP Nam Định với đường ven biển có tổng mức đầu tư 8.694 tỷ đồng, gồm 3 dự án lớn dự kiến khởi công trong năm nay và 2023.

Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng với tổng chiều dài khoảng 2 km. Tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án trong năm 2023.

Ngoài ra, tỉnh Nam Định còn phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai, sớm hoàn thành và khai thác hiệu quả cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ tạo hành lang giao thông thủy nội địa với các tỉnh trong khu vực; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bến Mới; thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.

Về thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tìm hiểu, đề xuất và triển khai các dự án trọng điểm, có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm nay, tỉnh Nam Định đã thu hút được 111 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 92 triệu USD và 135.000 tỷ đồng; số vốn đầu tư trong nước gấp 8,5 lần của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, Nam Định đã tập trung hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận (trên 158 ha); sớm khởi công mở rộng khu công nghiệp Bảo Minh (50 ha) và Khu công nghiệp Trung Thành, huyện Ý Yên (200 ha); đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp Yên Bằng (Ý Yên), Thanh Côi (Vụ Bản)...