CEO Danny Le: 'Chuyển đổi số là động lực chiến lược để bứt phá cho ngành bán lẻ Việt Nam'

Nga Chen 08:03 | 10/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 9/7, tại Hội nghị Đầu tư Quốc tế Techcombank, ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan - nhấn mạnh chuyển đổi số là động lực chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu hóa chi phí và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng một cách toàn diện.

Theo ông Danny Le - CEO Masan Group - các nhà đầu tư quốc tế đang nhìn Việt Nam như một thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, blockchain và phân tích dữ liệu lớn.

Họ đánh giá cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam và nhận thấy sự tương đồng với các thị trường phát triển như Trung Quốc, tin tưởng rằng các lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đối với các doanh nghiệp có tư duy đổi mới, việc áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh đã trở thành chiến lược then chốt. 

 Ông Danny Le – Tổng Giám đốcMasan Group

Tuy nhiên, các doanh nghiệp truyền thống đang đối mặt với thách thức lớn về khả năng chuyển đổi số và tham gia thị trường công nghệ như thế nào. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, Việt Nam cần dòng vốn dài hạn và chi phí vốn hợp lý hơn nhằm tận dụng tối đa làn sóng chuyển đổi công nghệ.

Về thị trường bán lẻ, ông Danny Le cho biết kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 12%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia (30-50%). Để hiện đại hóa ngành bán lẻ, xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối (end-to-end supply chain) là yếu tố then chốt giúp phát triển bền vững. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics cả về vật lý lẫn công nghệ. 

Đồng thời, đầu tư vào AI, machine learning và các nền tảng dữ liệu sẽ mở ra cơ hội nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành, từ đó tăng năng suất và giảm giá thành sản phẩm – điều người tiêu dùng hiện đại rất quan tâm.

Masan Group đang hợp tác với các cửa hàng bán lẻ truyền thống để gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng và giữ mức giá cạnh tranh, đồng thời số hóa quy trình quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí sản xuất từ 15–20%.

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Danny Le nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Với nhóm khách hàng trẻ, am hiểu công nghệ và có tư duy hiện đại, đây là cơ hội để rút ngắn hành trình thu hút khách hàng vốn có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Masan hợp tác với Techcombank triển khai mô hình ngân hàng đại lý nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tới các khu vực và nhóm khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ. 

  Techcombank và Masan đã cùng nhau xây dựng hệ sinh thái WINLife, tích hợp các dịch vụ tài chính của Techcombank vào các chuỗi cửa hàng của Masan, như WinMart. 

Đồng thời, hai bên hướng đến phát triển các sản phẩm số hóa, xây dựng hệ sinh thái tài chính – tiêu dùng kết nối chặt chẽ, phục vụ sâu sát các nhu cầu hàng ngày của người Việt. Người tiêu dùng hiện đại kỳ vọng nhiều hơn về trải nghiệm đa kênh, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường tương tác đa kênh và đổi mới sáng tạo không ngừng.

Ông Danny Le sinh năm 1984, là CEO trẻ tuổi nhất điều hành một doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam. Gia nhập Masan Group từ năm 2010, ông đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong xây dựng chiến lược phát triển và trực tiếp tổ chức các giao dịch M&A quan trọng. Trước khi về Việt Nam, ông từng là chuyên viên phân tích tại Morgan Stanley (New York). 

Dưới sự lãnh đạo của ông, Masan đã chuyển mình từ tập trung vào tiêu dùng và hàng thiết yếu sang mô hình tích hợp “tiêu dùng + công nghệ + tài chính”, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tập đoàn và ngành bán lẻ Việt Nam.

Ông Danny Le khẳng định tương lai của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào cách đổi mới sáng tạo hôm nay, khi công nghệ và chuyển đổi số trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.