CEO Facebook Việt Nam: Thành công sớm chưa chắc tốt hơn thất bại sớm
Lê Diệp Kiều Trang sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Cha chị là ông Lê Văn Trí, từng là Phó Tổng giám đốc Công ty cao su Miền Nam, anh là Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ. Ngay từ nhỏ Trang đã nổi tiếng khi được lựa chọn đại diện Việt Nam hát cùng Michael Jackson và là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường chuyên Lê Hồng Phong. Năm 2000, Trang nhận được học bổng Đại học Oxford.
Từng được mệnh danh là “cô gái vàng” với thành tích đáng nể trong sự học, đầu quân cho MIT, McKinsey... với mức lương mơ ước, chị đã quyết định cùng chồng là anh Sonny Vũ khởi nghiệp với Misfit Wearables.
Misfit Wearables sáng tạo thiết bị thể thao theo dõi đo đạc các chỉ số sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động, với đội ngũ tại Mỹ đảm nhận khâu thiết kế và phần cứng sản phẩm, còn những kỹ sư Việt Nam chịu trách nhiệm về các thuật toán phân tích dữ liệu và nhận diện chuyển động, phần mềm điều khiển.
Những tiến sĩ người Việt từ Mỹ, Anh, Pháp trong công ty của chị đa phần là bạn học từ thời phổ thông chuyên toán.
Sản phẩm Misfit với những thiết bị thể thao thông minh có thể đeo cổ hay vòng tay như đồng hồ, hoặc các sản phẩm cho ngôi nhà thông minh như màn ngủ, bóng đèn thông minh, có thể tương tác với App trong smartphone, được thiết kế tối giản, sang trọng. Đặt đại bản doanh R&A ở Việt Nam thay cho Silicon Valley ở Mỹ, Trang tin vốn quý nhất của Việt Nam là nguồn chất xám, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học.
Kinh nghiệm đáng nể về quá trình kêu gọi vốn cộng đồng của Misfit Wearbles là một cách khởi nghiệp đang mở ra tiềm năng cho rất nhiều bạn trẻ lĩnh vực công nghệ. Năm 2016, để thử thị trường, Misfit gọi vốn cộng đồng trên website Crowdfunding Indiegogo. Thời gian gọi vốn dự định một tháng, số tiền gọi dự định 100.000 USD cho sản phẩm Shine. Vậy mà kết quả gần 1 triệu USD, tương ứng 10.000 sản phẩm.
Từ đây, một loạt các nhà đầu tư để mắt tới Misfit như tỉ phú Lee Ka Sing bỏ ra 15 triệu USD, các quỹ đầu tư như Founders Fund, Khosla Ventures, OATV, Max Levchin, incTech Ventures, AFSquare…Đặc biệt, Shine được đưa vào Apple Store toàn cầu và hàng loạt chuỗi bán lẻ khác và được thị trường đón nhận
Quyết định bán đứa con mình tâm huyết cho Fossil với giá 260 triệu USD, trở lại vai trò làm thuê cho Facebook, đến ngưỡng này của cuộc đời, dường như những chọn lựa sống của chị đã thay đổi, và liên tục thay đổi, để có thể mở rộng ra vô tận khái niệm “làm giàu”.
Lê Diệp Kiều Trang đối diện với rất nhiều cơ hội và cả thách thức của một công ty công nghệ hàng đầu thế giới khi nhậm chức CEO Facebook Việt Nam trong bối cảnh đang đối mặt với vấn đề xâm phạm quyền riêng tư, tin tức giả mạo, và ông chủ Mark Zuckerberg đã phải trải qua những giây phút cực kỳ căng thẳng điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Trong buổi giao lưu mới đây với chủ đề “Khát vọng tương lai” giữa ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, ca sĩ Hà Anh Tuấn, cùng hơn 1000 sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, vẫn nụ cười tươi rói làm sáng bừng gương mặt, giọng nói truyền cảm, duyên dáng, Lê Diệp Kiều Trang đã chia sẻ rất chân thành về những đổi thay trong khát vọng sống của mình, như những bước đường để ngày một trưởng thành hơn.
Chị có thể chia sẻ về khát vọng tương lai của riêng mình ngày mới bước vào đời? So với hiện tại, khát vọng của chị có nhiều thay đổi?
Lê Diệp Kiều Trang: Cuộc đời mình mỗi giai đoạn, khi tầm nhìn càng mở ra thì khát khao có thay đổi. Cách đây 25 năm, năm 1993, khi Mỹ chưa mở cửa bang giao với Việt Nam, tôi đã được đi hát với Michael Jackson, và người chọn tôi là chú Phạm Phú Ngọc Trai. Đối với các bạn, có thể đó chỉ là cuộc dạo chơi, nhưng đối với tôi đó là chuyến đi mở ra tầm nhìn mới.
Hồi đó đi Thái Lan là một cái gì đó rất xa xôi, rất khó khăn. Từ phi trường Tân Sơn Nhất lúc ấy còn rất nghèo nàn, xe đẩy ít vô cùng, bước xuống phi trường Bangkok, nhìn thấy xe đẩy hành lý khắp nhà ga, nhà cao tầng khắp nơi, cô bé 13 tuổi như tôi vô cùng ngạc nhiên. Đến khi trở về rồi, cả tháng trời sau tôi vẫn nằm mơ về Thái Lan. Từ đó, tôi mơ ước được đi ra bên ngoài nhiều hơn, vì đó là thế giới rất khác, hiện đại hơn, đầy cơ hội.
Nếu không có chuyến đi đó thì có lẽ tôi sẽ không quyết liệt tìm học bổng để được đi du học như thế. May mắn 5 năm sau tôi tìm được học bổng du học ở Anh, Đại học Oxford. Nếu không có sự tiếp xúc sớm trong cuộc đời như thế, dù cũng muốn đi du học, nhưng tôi sẽ không nghĩ nó quan trọng. Chính chuyến đi này đã dẫn tôi đến nhiều cánh cửa mới.
Tôi rất chia sẻ với quan niệm về khát vọng của chú Phạm Phú Ngọc Trai, phải biết cái mình cần, chứ đừng theo cái người ta có. Tại sao có quá nhiều người chạy theo khát vọng làm giàu? Bao nhiêu người trong cuộc sống muốn phải có nhiều tiền hơn nữa? Vậy có thực sự mình cần cái khác nhiều hơn cần tiền hay không?
Khi mình có gia đình, việc dẹp bớt công việc để dành thời gian cho con luôn là mong muốn diễn ra thường xuyên trong tôi. Mọi người cùng chạy theo cái gì đó? Nhất là dân trường chuyên, để dám đi theo con đường nghệ thuật đầy thách thức như Hà Anh Tuấn quả không hề đơn giản.
Tôi tin chắc không người nào không ước mơ, cho dù họ đang sống cuộc sống tăm tối nhất, quan trọng là mình dám đối diện và hết lòng với ước mơ đó hay không?
Trên Facebook hiện nay, thách thức lớn nhất với người dùng là thông tin quá tràn lan, không biết làm sao để phân biệt tin thật, tin giả. Theo chị, làm thế nào để lựa chọn, ứng dụng thông tin trên Facebook, xây dựng được niềm tin?
Lê Diệp Kiều Trang: Tôi thấy sáng chủ nhật mà cả ngàn người chọn đề tài rất “trừu tượng” như hôm nay, tôi tin các bạn biết lựa chọn thông tin, để mặt đối mặt với những con người mình yêu quý. Sách cũng là nguồn tri thức vô hạn để tạo cảm hứng. Nếu các bạn có khát khao, thì thông tin là nguồn cảm hứng vô tận. Hãy quyết tâm để cuộc sống của mình được gần với những nguồn năng lượng tốt, tích cực.
Đang ở vị trí làm thuê với mức lương rất tốt, vì sao chị lại khởi nghiệp? Tạo dựng được một công ty có giá trị khác biệt, chị lại bán đi, trở lại công việc làm thuê? Khác biệt nào lớn nhất giữa việc làm thuê và làm chủ?
Lê Diệp Kiều Trang: Khởi nghiệp hay làm thuê không quan trọng, quan trọng mỗi ngày mình trưởng thành hơn và làm chủ mình tốt hơn. Các bạn cần tự hỏi mình rất kỹ bản chất của khởi nghiệp là gì? Khi nào nên làm thuê, khi nào nên làm chủ? Phải nhìn nhận lại công việc mình chọn, để biết chọn lĩnh vực mình yêu thích, mình giỏi, nhưng vẫn có cánh cửa mở ra cho lĩnh vực khác. Đừng nghĩ mình sẽ đi suốt đời với một ngành nào. Làm giỏi nhất cái mà mình đang làm, dù làm thuê hay làm chủ, mới có thể phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên có vài phần trăm, đó là những người có ý tưởng mà mình tin sẽ thay đổi thị trường, đẩy mình đi thật nhanh, thì nên khởi nghiệp.
Còn với những người chưa có ý tưởng mạnh mẽ, ngoài khát vọng lớn nhất là làm giàu thì đừng nên khởi nghiệp, vì có nhiều con đường khác chắc chắn hơn… Nếu khởi nghiệp chỉ làng nhàng, khó thành công.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một lời khuyên, hãy bắt đầu bằng công việc làm thuê để tìm hiểu thị trường, để biết mình là ai… rồi hãy khởi nghiệp
Khát vọng lớn nhất thời tuổi trẻ của chị là bằng mọi giá phải đi du học, vậy theo chị, đó có phải là con đường duy nhất để đi đến thành công?
Lê Diệp Kiều Trang: Quan niệm phải đi du học để thành công bây giờ không còn đúng nữa, vì môi trườn giáo dục đại học trong nước đã cởi mở hơn, hội nhập dần với thế giới, nhưng điều bắt buộc bạn phải có tư duy quốc tế, để có thể làm việc, nói chuyện với tất cả bạn bè thế giới
Điều quan trọng phải là bạn phải chủ động trong việc học, đừng nghĩ học là do thầy mang đến cho mình. Phải biết mình rất muốn học, và chọn ra điều mình muốn học nhất là gì? Nếu học ngân hàng mà ra làm ngành ngân hàng thì chỉ hai năm là hết kiến thức, bạn phải tự giải những bài toán cho riêng mình để tiến về phía trước. Một lợi thế không nhỏ khi bạn học ở Việt Nam, sống môi trường này, hiểu thị trường cần gì, rất thuận lợi cho công việc kinh doanh sau này. Những người du học như tôi nhiều khi phải cập nhật lại thị trường, thấy mình rất ngu ngơ…
Khi chị bước ra ngoài, tầm nhìn thay đổi, khát vọng cũng thay đổi, làm sao xác định được mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của đời mình? Với môi trường du học, điều gì ảnh hưởng nhất đến thay đổi khát vọng của chị?
Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tiên, đặc biệt trong giai đoạn sinh viên, nên tập trung đặt câu hỏi hay và đừng vội tìm câu trả lời, vì lúc ấy bạn chưa có đủ thông tin để trả lời đâu. Khi đặt câu hỏi hay mới tập trung điều quan trọng nhất với chính mình. Nó giúp mình luôn không hài lòng với câu trả lời, và phải đi tìm thông tin để câu trả lời ngày càng tiến dần đến cái đúng.
Với sinh viên, đặt kế hoạch ngắn hạn, dài hạn còn mông lung lắm, hãy đặt cho mình thôi thúc phải làm sao cho cuộc đời mình ý nghĩa, phải thảo luận, tranh cãi với nhiều người, và tranh cãi với chính mình nhiều hơn… Hỏi, nghe người khác, nghe câu chuyện của người khác nhiều để có kiến thức, có trải nghiệm của người khác, cộng với sự thông minh của chính mình, giúp mình có quyết định khôn ngoan hơn.
Chắc chắn mình có thất bại, để biết mình dở cái gì, mảng nào cần học hỏi thêm. Điều đó quý hơn là thành công, giúp mình bổ sung vào những gì còn thiếu. Thành công sớm chưa chắc tốt hơn thất bại sớm…
Theo The Leader