CEO Grab tiết lộ kế hoạch sau khi thực hiện IPO tại Mỹ

10:14 | 14/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Grab sẽ vẫn tập trung vào các thị trường Đông Nam Á ngay cả khi được niêm yết tại Mỹ, CEO Grab Anthony Tan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asian.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào khu vực Đông Nam Á", CEO Grab tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với tờ Nikkei Asian ngày 13/4, cùng ngày Grab tuyên bố thỏa thuận sáp nhập với một công ty SPAC (công ty thành lập với mục đích đặc biệt) do Altimeter Capital hậu thuẫn để IPO tại Mỹ.
 
Grab được định giá 39,6 tỷ USD trong đợt IPO này. Đây cũng là thương vụ sáp nhập với SPAC có quy mô lớn nhất thế giới đến nay.
 
Ông Anthony Tan cho biết thêm, Grab sẽ sử dụng nguồn vốn kêu gọi được để xây dựng mạng lưới giao hàng hiệu quả và chi phí thấp nhất, cũng như "để cách mạng hóa thanh toán di động, dịch vụ tài chính và ngân hàng kỹ thuật số".
 
Đông Nam Á vẫn là thị trường chính của Grab
Nhà đồng sáng lập, kiêm giám đốc điều hành của Grab Anthony Tan
 
Thông qua SPAC, Grab sẽ hợp nhất với Tập đoàn tăng trưởng Altimeter niêm yết tại sàn Nasdaq. Theo thỏa thuận, Grab sẽ nhận khoảng 4,5 tỷ USD tiền mặt.
 
Grab đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore vào năm ngoái và dự kiến ​​sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ này vào đầu năm 2022.
 
“Chúng tôi thực sự sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng kỹ thuật số và làm phát triển nó ngày càng mở rộng,” người đứng đầu Grab nói.
 
Đối thủ cạnh tranh chính của Grab là Sea, gã khổng lồ thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến có trụ sở chính tại Singapore và niêm yết tại New York, đang bắt đầu mở rộng sang các thị trường Mỹ Latinh như Brazil. Điều này đặt ra câu hỏi liệu chăng Grab cũng đang có những kế hoạch tương tự.
 
Dù vậy, ông Anthony Tan nói rằng Đông Nam Á có dân số nhiều gấp đôi Mỹ, ở mức 670 triệu người. Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng các dịch vụ trực tuyến vẫn khá thấp. Vì thế, ông cho rằng tiềm năng tăng trưởng vấn là rất lớn. Bên cạnh đó, Grab cũng tập trung vào khu vực Đông Nam Á vì những thoả thuận hợp tác đã có với các công ty, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phưng, theo Nikkei.
 
Khi được hỏi tại sao công ty quyết định niêm yết cổ phiếu vào lúc này, ông Anthony Tan cho biết Grab đang ở "thời điểm chín muồi" để làm như vậy sau khi giá trị giao dịch hàng hoá (GMV) trong năm 2020 đã vượt mốc thời điểm trước đại dịch.
 
"Bất chấp COVID, trong năm 2020 chúng tôi đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, điều này cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp chúng tôi .... Chúng tôi thực sự mạnh hơn trước đây", ông Anthony tan nói.
 
Việc thực hiện IPO thông qua Altimeter Capital là "cách tốt nhất để chúng tôi thực hiện IPO", ông Tan thừa nhận và nói rằng công ty Mỹ có tiềm lực tài chính tốt và được nhiều nhà đầu tư lớn hỗ trợ, bao gồm BlackRock, Fidelity International và Temasek Holdings.
 
Tiết lộ chi tiết thu nhập ngày 14/4, Grab đã báo cáo khoản lỗ ròng 2,7 tỷ đô la trong năm 2020 khiến nhiều người hoài nghi về mức định giá 39,6 tỷ USD. Về điểm này, ông CEO Grab cho rằng: "Chúng tôi đã thấy nhiều nhà đầu tư mô tả chúng tôi như sự kết hợp Uber với DoorDash cộng và Ant Group. Vì thế tôi cho rằng định giá trên là hợp lý”.
 
Trong thời gian tới, một trong những vấn đề mà Grab quan tâm là liệu các nhà đầu tư hiện tại của Grab có bán cổ phần trong công ty hay không, đặc biệt là SoftBank, tập đoàn đầu tư nhiều nhất vào Grab.
 
Dù vậy, ông Tan tự tin rằng các công ty như SoftBank vẫn sẽ ủng hộ Grab. Ông Anthony Tan tiết lộ vừa mới có một cuộc nói chuyện với ông Masayoshi Son, CEO SoftBank.
 
Người đứng đầu Grab cho biết các thành viên hội đồng quản trị của công ty mới vẫn chưa được quyết định. Nhưng ông nói: "chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quản trị công ty của mình cho phù hợp để đảm bảo rằng chúng tôi có một hội đồng quản trị đa dạng khi Grab trở thành công ty đại chúng”.
 
"Chúng tôi đang trải qua một quy trình của ủy ban đề cử và chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến ​​của hội đồng quản trị hiện tại để đảm bảo rằng chúng tôi tìm được một hội đồng mạnh", CEO Grab cho hay.
 
H.A (Theo Nikkei)