CEO J&T: Nhiều người thắt chặt chi tiêu trong ngày valentine
Sau một năm kinh tế chững lại dưới tác động của dịch COVID-19, thu nhập của người dân có xu hướng giảm kéo theo những thay đổi trong hành vi tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Dương lịch năm 2022 của tổng số 41.826 doanh nghiệp báo cáo chỉ bằng 58% so với năm 2021. Chỉ khoảng 62,7% trong tổng số 42.159 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết âm lịch Nhâm Dần, với mức thưởng bằng 97% của năm 2021 và 92,2% của năm 2020.
Thu nhập giảm đã dẫn đến những điều chỉnh trong hành vi của người tiêu dùng vào mùa lễ hội lớn nhất năm. Dù nhu cầu mua sắm vào các dịp lễ Tết không thuyên giảm, song người mua có xu hướng ưu tiên ngân sách cho các sản phẩm thiết yếu hơn, cũng như tận dụng ưu đãi để đảm bảo cuộc sống đầy đủ mà vẫn tiết kiệm chi phí.
Dựa trên kinh nghiệm phục vụ nhu cầu thị trường qua các năm cũng như nắm vững xu hướng thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, ông Phan Bình – Giám đốc Thương hiệu giao hàng chuyển phát nhanh J&T Express chia sẻ dự đoán thị trường mua sắm các mặt hàng kém thiết yếu như quà tặng, vật phẩm cầu may trong mùa lễ hội 2022, đặc biệt là dịp Lễ tình nhân 14/2 nhiều khả năng sẽ giảm.
Theo các chuyên gia bán lẻ, thị trường quà Tết Nguyên Đán 2022 được ghi nhận là kém sôi động hơn so với các năm trước, cũng như có sự thay đổi trong việc giảm tiêu thụ phân khúc cao cấp và ưa chuộng phân khúc trung bình hơn.
Năm 2022 cũng ghi nhận sự kiện giá vàng giảm sâu sát ngày mùng 10 tháng Giêng, tức ngày vía Thần Tài theo quan niệm của người Việt. Điều này đi ngược lại so với xu hướng giá vàng tăng "kịch trần" của các năm trước.
Các chuyên gia nhận định việc giá vàng giảm bất thường ngay trước ngày vía Thần Tài phần nào phản ánh nhu cầu mua của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận tại một số cửa hàng kinh doanh vàng tại TP HCM vào giữa ngày mùng 10 tháng Giêng cho thấy lượng người mua tuy đông, nhưng chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước.
Không nằm ngoài xu hướng chung, thị trường mua sắm quà tặng ngày Lễ tình nhân 14/2 năm nay được dự đoán sẽ kém sôi động so với các năm trước dịch COVID-19. Nhận định này là có cơ sở, dựa trên tình hình thị trường valentine trầm lắng vào năm 2021, ở thời điểm đại dịch còn chưa diễn biến phức tạp.
Dù vẫn phục vụ nhu cầu không thể thiếu của người dân, song các mặt hàng thiết thực và có giá trị bền vững sẽ được ưa chuộng hơn. Đồng thời, nhu cầu mua sắm quà tặng trực tuyến và vận chuyển thông qua các đơn vị giao hàng chuyển phát nhanh sẽ tăng nhằm bảo đảm an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
J&T Express nhận định dù thị trường có xu hướng đi ngang trong giai đoạn sau Tết, nhiều doanh nghiệp giao hàng chuyển phát nhanh lại xem đây là thời cơ để phát triển hệ thống, cải tiến hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ. Đây là một kế hoạch nằm trong chiến lược dài hơi để "đón đầu" thị trường vào mùa mua sắm sôi động sau đó.