CEO Lê Hùng Việt: Bài học kinh doanh nhà hàng tạo nên JAMJA hiện tại
JAMJA, ứng dụng điện thoại giúp người tiêu dùng săn tin khuyến mãi, đặt chỗ giảm giá theo giờ hiện đang có hơn một triệu người dùng tích cực. Trong tháng 7, đã có khoảng 100.000 lượt đặt chỗ thành công bằng mã giảm giá của JAMJA, đây gần như là con số cao nhất từ trước tới nay của một ứng dụng đặt chỗ khuyến mãi.
Vừa qua, JAMJA cũng đã gọi vốn thành công trong vòng Pre-series A với số vốn gần 20 tỷ đồng từ 4 quỹ đầu tư lớn từ Hàn Quốc và Nhật Bản, bao gồm KB Investment - một nhánh của KB Financial Group (Tập đoàn sở hữu KB Bank - một trong những ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc) và Nextrans, Bon Angles (các quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc), Framgia (Tập đoàn Công nghệ thông tin Nhật Bản).
Trước đó, trong năm 2016 và 2017, JAMJA cũng đã nhận vốn đầu tư từ Foody.vn và ESP Capital. Có được những thành quả nhất định khi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nhưng ít ai biết, ông chủ 8x của ứng dụng thông minh này lại xuất thân từ dân kinh tế và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, trước khi theo đuổi công nghệ số.
Những thất bại đầu đời
Ngay từ khi còn là sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Lê Hùng Việt đã khởi động một start-up về thương mại điện tử giống mô hình vatgia.vn dành riêng cho lĩnh vực thời trang. Thời điểm đó, do chưa có kinh nghiệm nên anh đã không lựa chọn đúng những người đồng hành phù hợp và kế hoạch triển khai hiệu quả. Chính vì vậy, dự án này đóng cửa trước khi kịp ra mắt dù đã có hơn 30 đối tác chấp nhận tham gia.
Năm 2008, sau khi ra trường, Lê Hùng Việt làm marketing cho các công ty của Thái Lan, Agency, và cuối cùng là ngân hàng Vietinbank.
Tuy nhiên, ngọn lửa khởi nghiệp trong người Lê Hùng Việt chưa bao giờ tắt, anh luôn có hứng thú đặc biệt với ẩm thực và mong muốn mở những nhà hàng cho riêng mình.
Cuối năm 2009 – đầu năm 2010, Lê Hùng Việt mở một nhà hàng nhỏ trên phố Thái Hà, nhưng kinh doanh không thuận lợi và phải đóng cửa sau một năm. Không nản chí, anh tiếp tục mở một nhà hàng khác nằm trong khu vực một trường đại học lớn ở Hà Nội, đây là nhà hàng duy nhất của anh còn hoạt động cho đến nay.
Khi nhà hàng thứ 2 có lãi và tích lũy được một khoản, anh mạo hiểm nghỉ việc tại Ngân hàng và mở thêm một quán cà phê kết hợp với đồ ăn đường phố. Đây là một mô hình rất hay và được xem là mới mẻ tại thời điểm đó nên đã được anh và bạn bè đầu tư một số vốn tương đối lớn. Lê Hùng Việt hy vọng nó sẽ thành công và phát triển thành chuỗi cà phê thu hút được đông đảo khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, quán của anh hoạt động cầm chừng nên cuối cùng đã phải đóng cửa sau gần một năm hoạt động.
Khi nhà hàng thứ 3 còn đang hoạt động, anh hợp tác với các nền tảng về giảm giá bán voucher rất nổi thời đó. Lúc đó, họ có thể giúp nhà hàng của anh kéo được thêm khách hàng dựa trên các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, vấn đề kinh doanh mang tính tức thời rất cao. Một ông chủ luôn muốn ngay lập tức lấp đầy những bàn trống trong nhà hàng của mình nhưng các nền tảng thời đó lại không thể làm được vì phải tốn khá nhiều thời gian để xây dựng chương trình giảm giá, và đưa voucher tới tay khách hàng. Mà thời điểm đó ứng dụng di động bắt đầu phát triển, Lê Hùng Việt nghĩ ngay tới việc có một ứng dụng cho phép nhà hàng chụp ảnh món ăn và đăng lên thông báo giảm giá mà ngay lập tức kết nối tới người dùng trong vòng bán kính 3 km để khỏa lấp những khoảng trống trong nhà hàng ngay tức thì, giúp giải quyết bài toán doanh thu.
“Chính những trải nghiệm thất bại trong việc kinh doanh nhà hàng đã cho tôi ý tưởng tạo lập và phát triển JAMJA. Tôi luôn trăn trở làm sao để xây dựng một ứng dụng vừa giúp nhà hàng có khách vào tất cả các khung giờ, vừa giúp người tiêu dùng đặt bàn, mua hàng giảm giá bất kể thời điểm nào. Việc này giúp giải quyết triệt để vấn đề doanh thu mà các nhà hàng gặp phải vào thời điểm có nhiều bàn trống”, anh Việt chia sẻ.
Gian nan tìm Co-founder
Khi hình thành ý tưởng, Lê Hùng Việt không ngần ngại chia sẻ với những người bạn của mình nhằm tìm ra những người cùng chí hướng để phát triển ứng dụng. Tuy ai nghe cũng rất thích nhưng người cùng hợp tác để làm được lại không có, một phần do chuyên môn không phù hợp, một phần là do họ không thể từ bỏ công việc hiện tại để cùng hợp tác.
Cuối cùng, Lê Hùng Việt đã tìm được 2 người ủng hộ và muốn cùng anh xây dựng dự án. Lúc này, cả nhóm có 3 người, sáng nào cũng gặp mặt nhau từ 6 đến 7h hoặc sau 17h để hội ý và lên phương án xây dựng. Sau hai tháng làm việc họ nhận ra khó khăn lớn nhất chính là không ai rành về xây dựng ứng dụng di động vì 2 thành viên làm kỹ thuật trong nhóm lại chuyên về mảng hệ thống và quản lý dự án.
“Lúc này, các thành viên đề xuất thuê người ngoài làm ứng dụng nhưng tôi không đồng ý vì đây là một dự án lâu dài chứ không đơn thuần là mở một ứng dụng ra là có thể hoàn thành. Trong tương lai chắc chắn luôn luôn phải sửa chữa, xây dựng và phát triển nên tôi tin rằng cần phải tìm kiếm một co-founder kỹ thuật để cùng hợp tác với mình dù tất cả mọi người đều cho rằng đây là điều không thể”, CEO JAMJA cho biết.
Khi đó, anh được giới thiệu tham gia một diễn đàn khởi nghiệp khá lớn để tìm người đồng hành kỹ thuật trong dự án này. Và cũng chính nơi này đã giúp anh có cơ duyên gặp gỡ với co-founder hiện tại của JAMJA. Khi đó, anh này cũng đã xây dựng xong một ứng dụng thương mại điện tử và đang cần một người làm marketing và kinh doanh để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. “Như cá gặp nước, tôi cũng chia sẻ về ý tưởng của mình đã xây dựng và cần người hỗ trợ tạo dựng ứng dụng di động. Sau 4 tháng thuyết phục thì anh ấy quyết định tham gia và cùng xây dựng cả hai dự án. Tuy nhiên, sau này anh ấy đã quyết định từ bỏ dự án của mình và tập trung phát triển JAMJA”, CEO Lê Hùng Việt hào hứng nói về quãng đường gian nan tìm kiếm co-founder cho dự án.
Nhờ đó, đầu năm 2015, ứng dụng JAMJA chính thức ra mắt.
Bài toán “con gà, quả trứng”
Do trước đây đã từng kinh doanh nhà hàng, nên thời gian đầu JAMJA không khó để tìm đối tác kết hợp làm mã giảm giá nhưng khi kéo được 10 đối tác về thì lại không có cách nào để làm cho các đối tác đó có thể kéo được khách đến. Họ có thể giảm giá 20-30% nhưng lại không có người dùng để sử dụng sản phẩm. Thời điểm này, gần như JAMJA không có người truy cập vào ứng dụng.
Lúc đó bài toán “con gà quả trứng” phát sinh tại JAMJA. Việc nên lựa chọn phát triển đối tác trước hay người dùng trước luôn là câu hỏi được đặt ra. Nếu có đối tác mà không có người dùng thì không có hiệu quả. Nhưng nếu làm marketing thu hút khách hàng vào ứng dụng mà lại chỉ “lèo tèo” 10 nhà hàng khuyến mại thì sẽ mất người dùng ngay lập tức.
“Chính khó khăn đó lại khiến tôi nhận ra một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực này là hầu hết mọi người đều thích một số thương hiệu lớn mà nếu có giảm giá thì họ sẽ quan tâm. Tuy nhiên, bản chất vấn đề là họ hay bỏ lỡ khuyến mại do quá bận hoặc không tiếp cận được và không có người nhắc nhở họ. Họ muốn tìm giảm giá nhưng lại không có một nơi tập hợp tất cả lại để họ lựa chọn. Khi đó JAMJA đã giải quyết một bài toán trước mắt là trở thành nền tảng tổng hợp thông tin khuyến mãi có sẵn tại các nhà hàng, cửa tiệm mà họ đã tự chạy trên web, hoặc thông báo tại cửa hàng của họ rồi. Khi đó mình tập hợp toàn bộ về và chỉnh sửa cho chuẩn chỉnh, đẹp đẽ rồi đăng lên nền tảng của mình. Ngay lập tức JAMJA đã có hàng trăm, hàng nghìn khuyến mãi cho người dùng thoải mái lựa chọn mà không cần một đội sale nào đi tìm đối tác. Điều này cũng giúp cho người dùng tự động tìm đến ứng dụng của JAMJA để săn thông tin khuyến mại”, Lê Hùng Việt cho hay.
JAMJA hiện tại đang hợp tác với hơn 5.000 thương hiệu lớn nhỏ của tất cả các ngành, từ ẩm thực, du lịch, thời trang, làm đẹp đến hàng điện tử…. và hàng nghìn ưu đãi được cập nhật liên tục mỗi ngày, trong đó có các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Moschino, Zara…
"Điểm mạnh của chúng tôi là chỉ tập trung vào khuyến mãi với đa dạng ngành hàng khác nhau. Đặc biệt, người dùng còn có thể đặt chỗ khuyến mãi ngay trên ứng dụng. Mô hình của chúng tôi cũng cung cấp khuyến mãi độc quyền với mức giảm giá tăng giảm theo giờ và tình trạng bàn trống trong ngày của nhà hàng, qua đó khách hàng có thể lựa chọn thời điểm phù hợp túi tiền nhất và được giảm giá ở mức sâu nhất, có thể lên tới 50-70%. Điều này gần như các nền tảng khác chưa làm được", người sáng lập JAMJA nhấn mạnh.
Thời gian tới, JAMJA tiếp tục tập trung và khai thác nhiều chương trình giảm giá đa dạng hơn, đồng thời phát triển thị trường sang các thành phố trong nước như Đà Nẵng, Hải Phòng và mở rông dịch vụ giảm giá theo giờ sang các lĩnh vực khác như giải trí và làm đẹp… Về mục tiêu lâu dài, CEO Lê Hùng Việt cho biết, JAMJA sẽ thúc đẩy phát triển thị trường ra thế giới, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN.
"Mỗi người đều có nhu cầu mua hàng giảm giá, dù ở bất cứ địa phương nào. Chúng tôi muốn đem lại nhiều cơ hội mua sắm tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng", Lê Hùng Việt cho hay.