CEO Loship: Tham vọng thống lĩnh thị trường Việt Nam, khôi phục thời kì hoàng kim cho Lozi

06:30 | 29/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Loship bày tỏ tham vọng muốn thống lĩnh thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần lượng giao dịch trong vòng 12 tháng tới, với doanh thu khoảng 31 triệu USD vào cuối năm 2020.

CEO Loship là ai?

 
Nguyễn Hoàng Trung sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi là một trong những CEO trẻ tuổi thành công nhất trong giới startup Việt Nam. Năm 2017, Hoàng Trung được Fobes bình chọn là 1 trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất châu Á.
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
CEO trẻ lọt top 30 under 30 của tạp chí danh tiếng Forbes
 
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Hoàng Trung nhận được học bổng toàn phần của học viện KAIST (Hàn Quốc). Sau một thời gian năm nhất vùi đầu vào sách vở tại Hàn Quốc, chàng trai 9X băn khoăn tự hỏi liệu đây có phải con đường mà Trung muốn đi và nó có khiến anh hạnh phúc. Kết thúc năm học thứ 2, Trung quyết định bỏ ngang việc học để trở về nước, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ gia đình và bạn bè.
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
Chân dung Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship
 
Thay vì chọn một công việc ổn định, CEO trẻ chia sẻ lúc ấy anh đã nhen nhóm muốn xây dựng một startup cho riêng mình, cùng tham vọng đưa thương hiệu Việt Nam ra biển lớn. Lúc đó anh nảy ra ý tưởng về một nền tảng nhà hàng và thực phẩm - nơi mọi người có thể dễ dàng tìm thấy các địa điểm ăn uống thông qua hệ thống trực tuyến. Anh coi ý tưởng này của mình là "thời cơ" lớn, bởi tại Việt Nam, thời điểm đó chưa có một phần mềm, ứng dụng nào như vậy.
 
Với ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, từ tháng 7/2012, CEO 9x bắt tay vào thực hiện dự án Lozi và chỉ 3 năm sau Lozi đã nhận được khoản đầu tư lên đến 7 chữ số (triệu đô) từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan.
 

Sự nghiệp của CEO Loship

 
Lozi là một ứng dụng xuất hiện vào tháng 10/2015 hoạt động chủ yếu trong về quảng cáo món ăn/nhà hàng. Đến tháng 3/2016, Lozi bắt đầu phát triển thành một công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. với việc mở rộng ra thêm các chuyên mục đăng bán quần áo thời trang nam, nữ, phụ kiện làm đẹp, thiết bị điện tử, mỹ phẩm, đồ chơi, nhạc cụ đã qua sử dụng.
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
Lozi từng là một ứng dụng đình đám được giới trẻ yêu thích
 
Dù sau đó được biết tới như một ứng dụng phong cách sống và đăng bán, tuy nhiên ở thời kỳ năm 2014 - 2015, Lozi là một ứng dụng ăn uống đơn thuần. Trào lưu foodporn, review ăn uống đang nổi lên mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Một loạt các thương hiệu F&B đình đám như The Kafe, Starbucks, Phúc Long… xuất hiện và chiếm được cảm tình giới trẻ.
 
Ngay vào lúc mà người dùng cần một ứng dụng ăn uống thuần Việt, có giao diện bắt mắt để thể hiện cá tính cũng như sở thích ăn uống đậm bản sắc cá nhân của mình thì Lozi ra đời. Kể từ đó, những chiến dịch quảng cáo phối hợp giữa Lozi và các thương hiệu F&B lớn nhỏ khác cũng bắt đầu rầm rộ hơn.
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
Theo CEO Trung thì Loship ra đời như một lẽ tất yếu, một mảnh ghép còn thiếu của Lozi
 
Từ một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, cuối năm 2017, Nguyễn Hoàng Trung và đội ngũ đã phát triển start-up Lozi thành trang thương mại điện tử, đồng thời cho ra mắt nền tảng Loship - giao đồ ăn, thức uống đến người dùng. Với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship hiện cung cấp một loạt dịch vụ như giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
 
Chia sẻ ý tưởng Loship, Nguyễn Hoàng Trung cho biết, khi vận hành Lozi, anh nhận thấy sự ra đời của Loship là điều tất yếu, bởi Lozi là một nền tảng đánh giá nhà hàng, quán ăn và thực phẩm, người dùng tìm tới Lozi để đặt một nhà hàng, hoặc món ăn. Nhưng quá trình này dường như thiếu một phần và anh thấy cần Loship để chính là mảnh ghép còn thiếu đó. Anh tin rằng, chỉ có đảm bảo trải nghiệm mua hàng liền mạch, từ đặt hàng, thanh toán tới giao vận, thì sản phẩm tới tay khách hàng mới thực sự trọn vẹn.

 

Tham vọng của Loship và anh chàng CEO trẻ tuổi

 
Về kế hoạch “bành trướng” của Loship trong tương lai, CEO Loship cho biết, anh không chỉ muốn dừng lại ở việc phục vụ từng món ăn, thức uống, mà tham vọng góp sức để phát triển phong cách sống cho người Việt. Sau những chuyến giao trà sữa, cháo, phở, sẽ là những chuyến giao quần áo, mỹ phẩm, truyện tranh… trong 1 giờ đặt. Mỗi người Việt có thể ngồi tại nhà, ký túc xá, văn phòng, được giao quần áo, sách vở và nhiều hơn thế chỉ trong 1 giờ. Lozi đang triển khai các dịch vụ Lomart (đi siêu thị dùm), Lozat (mang đồ đi giặt dùm), Lomed (mua thuốc dùm), Lo-send (giao đồ)…
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
Tham vọng cháy bỏng của CEO Loship là thương hiệu Việt thống lĩnh thị trường Việt
 
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD. Hoàng Trung tin tưởng, Loship sẽ tạo ra được khác biệt bằng việc phục vụ khách hàng tốt nhất, chứ không phải tạo ra tăng trưởng, thu hút khách hàng bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi như các đối thủ ngoại.
 
Trên con đường thực hiện tham vọng lớn này, tại vòng tài trợ Series B vào năm 2019 do công ty đầu tư mạo hiểm Smilegate Investment có trụ sở tại Hàn Quốc dẫn đầu, Lozi đã dành được một khoản tài trợ tám chữ số. Các nhà đầu tư đã tham gia vào các vòng tài trợ của Lozi trong những năm qua bao gồm JC Capital, Ascendo Ventures, DTNI và Hana Financial Group.
 
CEO Loship là ai? Sự nghiệp của CEO Loship
Những năm gần đây Loship nhận về nhiều nguồn đầu tư lớn để chuẩn bị cho cú bứt phá kế tiếp
 
CEO của Lozi cho biết thêm, ngoài sự tham gia của các nhà đầu tư nổi tiếng, startup cũng cố gắng để nhận được sự hỗ trợ của những người nổi tiếng từ Thung lũng Silicon, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn chiến lược từ Úc có kinh nghiệm sâu sắc trong ngành ngân hàng. Do đó, Trung tự tin rằng Lozi có khoản đầu tư cần thiết và sự hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của công ty từ một công ty khởi nghiệp địa phương trở thành một kỳ lân trong khu vực với mức định giá hơn 1 tỷ USD.
 
Hiện tại, Lozi và Loship đang sử dụng đội ngũ gồm hơn 50.000 tài xế và khoảng 200.000 nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử của mình, phục vụ nhu cầu của hơn 1,5 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam với hơn 60.000 giao dịch mỗi ngày. Startup này dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 31 triệu đô la Mỹ trong năm 2020.
 
Thanh Thùy (T/h)